Mở đường lâm nghiệp để đẩy mạnh phong trào trồng rừng

Những năm trở lại đây, phát triển kinh tế rừng đã và đang trở thành con đường thoát nghèo của người dân huyện Chợ Đồn. Chính quyền các xã và người dân tích cực mở các tuyến đường lâm nghiệp phục vụ phát triển sản xuất. Việc khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng thuận lợi sẽ giúp người dân địa phương yên tâm bám đất, bám rừng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Những năm trở lại đây, phát triển kinh tế rừng đã và đang trở thành con đường thoát nghèo của người dân huyện Chợ Đồn. Chính quyền các xã và người dân tích cực mở các tuyến đường lâm nghiệp phục vụ phát triển sản xuất. Việc khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng thuận lợi sẽ giúp người dân địa phương yên tâm bám đất, bám rừng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Những con đường lâm sinh này đã và đang giúp người dân dễ dàng hơn trong công tác trồng rừng.
Những con đường lâm sinh này đã và đang giúp người dân dễ dàng hơn trong công tác trồng rừng.


Lợi ích kinh tế từ trồng rừng mang lại không hề nhỏ. Chính vì vậy những năm gần đây, phong trào trồng rừng sản xuất ở huyện Chợ Đồn phát triển rất mạnh mẽ. Nhưng không có gì là thuận lợi và dễ dàng, khi mà những con đường đi vào rừng sản xuất còn khó khăn, khiến cho chi phí vận chuyển và khai thác rất tốn kém.

Nhận thấy khó khăn đó, thời gian qua huyện Chợ Đồn đã khuyến khích các địa phương, các hộ dân hiến đất, đầu tư mở rộng các tuyến đường lâm nghiệp, với mục đích tạo thuận lợi cho quá trình trồng và khai thác. Đại Sảo và Bình Trung là 02 xã đi đầu trong việc phát triển trồng rừng và mở các tuyến đường lâm nghiệp ở Chợ Đồn. Với sự tuyền truyền vận động của chính quyền xã, người dân đã chung sức mở nhiều tuyến đường vào khu sản xuất.

Đồng chí Hà Văn Duẩn - chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: Phong trào trồng rừng của xã phát triển mạnh, nhất là từ khi có các dự án trồng rừng tập trung. Riêng năm 2015, xã Bình Trung trồng được trên 400 ha rừng với các loại giống như quế, keo, mỡ. Tuy nhiên, một số nơi trồng rừng đường đi lại rất khó, nên việc vận chuyển cây giống, phân bón để trồng rừng của bà con vô cùng vất vả. Để thuận lợi trong việc sản xuất, cần mở nhiều tuyến đường lâm sinh để phục vụ người dân. Năm 2015, xã  Bình Trung được đầu tư mở mới 02 tuyến đường vào Khuổi Vàn và Khuổi Nhàn dài gần 6km.

Thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo cũng là một thôn đi đầu trong phong trào mở đường lâm sinh. Từng là thôn có nhiều hộ nghèo, nhưng nay bộ mặt thôn đã có những đổi thay về kinh tế - xã hội. Đi trên những con đường lâm sinh mới mở có thể thấy những rừng mỡ, rừng quế trải dài một màu xanh. Đời sống người dân trong thôn được nâng lên chủ yếu từ phát triển kinh tế rừng.

Trưởng thôn Nà Ngà, Nông Văn Thiệp cho biết: toàn thôn có 290 ha rừng trồng, năm nay thôn trồng được 27ha quế. Trồng rừng là hướng phát triển kinh tế và cũng nguồn thu nhập chính của các hộ dân trong thôn. Chính vì vậy, mà nhiều hộ trong thôn đã hiến đất, bỏ tiền, bỏ công sức, mở đường vào khu rừng sản xuất để thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển.

Tiêu biểu là gia đình ông Phạm Văn Uyển và 15 hộ dân ở thôn Nà Ngà đã cùng nhau đóng góp 15 triệu để mở 2km đường vào khu sản xuất, vừa được hoàn thành trong tháng 4/2015. Trong đó hộ ông Uyển đóng góp 3 triệu đồng, các hộ còn lại mỗi hộ 1 triệu đồng, có hộ hiến đất. Năm nay, gia đình ông Phạm Văn Uyển đã đăng ký trồng thêm 2,5ha quế. Ông cho biết: Con đường vừa mở này, sẽ giúp gia đình tôi cũng như các hộ khác đi lại chăm sóc dễ dàng, thuận lợi cho việc khai thác cũng như vận chuyển gỗ, sẽ không bị tư thương ép giá xuống vì đường đi lại khó khăn nữa.

Con đường lâm sinh dài 2km mới được hoàn thành, bởi công sức và nguồn vốn của 15 hộ gia đình trong thôn Nà Ngà tự bỏ ra
Con đường lâm sinh dài 2km mới được hoàn thành, bởi công sức và nguồn vốn của 15 hộ gia đình trong thôn Nà Ngà tự bỏ ra


Việc mở đường lâm nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế rừng ở từng địa phương. Chính quyền các xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực hiến đất làm đường vào các khu sản xuất. Từ đó giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng giá trị kinh tế của rừng trồng, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Bên cạnh đó, việc mở đường lâm nghiệp cũng góp phần khuyến khích phong trào trồng rừng của người dân ngày một phát triển./.


Huyền Thương
 

Xem thêm