Nà Đon xóa nghèo hiệu quả từ trồng quýt

Từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, người dân ở thôn Nà Đon, xã Phương Viên (Chợ Đồn) đã tìm được cho mình hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế thông qua việc mở rộng diện tích trồng quýt...

Từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, người dân ở thôn Nà Đon, xã Phương Viên (Chợ Đồn) đã tìm được cho mình hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế thông qua việc mở rộng diện tích trồng quýt...

Theo trưởng thôn Nà Đon Hoàng Thị Mươi, đời sống của các hộ dân thôn Nà Đon trong những năm gần đây từng bước được cải thiện so với trước, nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Đó là kết quả của sự năng động, sáng tạo, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế gia đình của người dân bằng việc tập trung phát triển, mở rộng diện tích trồng quýt.
 

Những vườn quýt này đang là cây trồng chủ lực giúp người dân thôn Nà Đon xóa đói, giảm nghèo.
Quýt đang là cây trồng chủ lực giúp người dân thôn Nà Đon xóa đói, giảm nghèo (Trong ảnh: Một hộ dân thôn Nà Đon thực hiện vệ sinh vườn quýt).

Vào những ngày này, bà con trong thôn, đang tích cực chăm sóc, vệ sinh cỏ dại tại vườn quýt của gia đình mình. Toàn thôn hiện có 49 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Cây quýt đang được coi là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây. Hiện nay toàn thôn có 12ha quýt, trong đó có 7ha đã cho thu hoạch ổn định. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ 30 – 60 triệu đồng/năm.

Trưởng thôn Nà Đon Hoàng Thị Mươi cho biết thêm: Trước đây trong phát triển kinh tế, người dân ở đây chư coi trọng cây quýt vì chưa đánh giá hết được giá trị kinh tế từ cây trồng này mang lại. Những năm gần đây cây quýt đã khẳng định là cây trồng có giá trị kinh tế cao, khi người dân biết cách chăm sóc, đặc biệt hơn là cây hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Cây trồng này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân trong thôn, đến nay toàn thôn không còn hộ nghèo, các hộ đều có mức sống từ trung bình khá trở lên.

Thăm vườn quýt của gia đình ông Hoàng Văn Quốc, là một trong những hộ tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng quýt tại thôn. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ông Quốc chia sẻ: Năm 2002, được tham gia lớp tập huấn chương trình trồng cây ăn quả của huyện, gia đình đã mạnh dạn đăng ký trồng 500 gốc quýt. Qua quá trình trồng, cây quýt tỏ ra khá phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương, hơn nữa kỹ thuật trồng và chăm sóc không quá phức tạp, chi phí đầu tư cũng không cao. Hiện nay, gia đình ông Quốc có 2.000 cây quýt, trong đó 900 cây đã cho thu hoạch ổn định. Với giá bán trung bình như hiện nay là 10.000 – 15.000đồng/kg, mỗi năm gia đình ông cũng thu về từ 60 – 80 triệu đồng.

Cũng giống như gia đình ông Hoàng Văn Quốc, gia đình chị Hà Thị Hiên cũng có hơn 1.000 cây quýt. Là người có kinh nghiệm trong trồng quýt, chị Hiên cho biết: "Kỹ thuật trồng quýt không quá khó, quýt được trồng hàng cách hàng 5 mét, cây cách cây 5 mét. Từ tháng 9 -10 âm lịch là vụ thu hoạch quả. Sau khi thu hoạch cần bắt đầu làm cỏ, bón phân, tỉa cành". Năm vừa qua, gia đình chị Hà Thị Hiên sau khi trừ chi phí đầu tư cũng thu được 60 triệu đồng từ tiền bán quýt.

Kinh tế dần ổn định, chất lượng cuộc sống của bà con nhân dân thôn Nà Đon cũng được nâng cao. Người dân trong thôn cũng tích cực tham gia các phong trào được địa phương phát động như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới… Tháng 7 vừa qua, nhân dân thôn Nà Đon đã đóng góp tiền và ngày công để tu sửa lại tuyến đường liên thôn. Đến nay thôn không còn hộ nghèo, 100% trẻ được đến trường đúng độ tuổi, không có gia đình sinh con thứ 3. Thôn còn đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến…/.


Huyền Thương

Xem thêm