Năm 2013- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp

 
Định hướng phát triển kinh tế của tỉnh đã được định hình rõ nét với mũi nhọn là lĩnh vực nông lâm nghiệp. Trong hai năm qua của nhiệm kỳ Đảng bộ, tỉnh ta đã tạo ra những tiền đề quan trọng trong xây dựng các vùng nguyên liệu cho chế biến nông lâm sản. Vì thế, tập trung xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông lâm nghiệp là trọng tâm cần chú trọng trong năm 2013
Những cơ hội đầu tư
Diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 486.842 ha, trong đó đất nông nghiệp (bao gồm cả đất lâm nghiệp) là 376.356 ha chiếm 77,3%, đất phi nông nghiệp là 19,911 ha chiếm 18,6%. Tài nguyên đất đai tương đối màu mỡ, nhiều nơi tầng đất dày, đất đồi núi có lượng mùn cao, thích hợp cho sản xuất nông. lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.Nguồn lao động của tỉnh khá dồi dào có thể cung ứng đủ nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại tỉnh Bắc Kạn với giá thuê nhân công rẻ hơn các nơi khác. 
Kể từ khi Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định nông lâm nghiệp là mũi nhọn thì một số dự án như Nhà máy chế biến gỗ Sahabak; doanh nghiệp trồng rừng; trồng và chế biến dong riềng… đã bước đầu khẳng định được thành công. Danh mục thu hút đầu tư được xây dựng cũng đã chú trọng tới các dự án thuộc lĩnh vực này. Trong 64 dự án kêu gọi đã có 9 dự án về nông lâm nghiệp như: phát triển, cải tạo đàn bò theo hướng thịt; phát triển vùng chè chất lượng cao; nhà máy chế biến thức ăn gia súc; chế biến hàng nông sản xuất khẩu… 
Chưa có dự án đầu tư bảo quản, chế biến nên quýt Bắc Kạn vẫn khó khăn trong khâu tiêu thụ
Chưa có dự án đầu tư bảo quản, chế biến nên quýt Bắc Kạn vẫn khó khăn trong khâu tiêu thụ
Tuy nhiên, có thể thấy, công tác xúc tiến đầu tư cần có thêm những cơ chế mới bởi lẽ qua hai năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ thì tỉnh ta đã có những tiềm năng mới. Đầu tiên đó là thế mạnh phát triển trồng và chế biến dong riềng. Với diện tích 1.800ha; năng suất trung bình 80 tấn/ha thì khối lượng dong nguyên liệu là hết sức dồi dào. Nắm bắt tiềm năng ấy, tỉnh đã chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng nhiều nhà máy cùng các hợp tác xã chế biến miến dong, bột dong. Dự kiến đến cuối năm 2012 toàn tỉnh sẽ sản xuất được 2.100 tấn miến và 3.500 tấn tinh bột dong riềng. Tuy nhiên, số lượng các nhà máy vẫn còn ít và quy mô chưa đáp ứng được khối lượng nguyên liệu dồi dào, chưa chế biến được thành miến toàn bộ vì vậy đánh mất nhiều lợi nhuận. Hơn thế, song song với chế biến mỗi sản phẩm miến thì cũng cần có những dự án đầu tư chế biến tinh bột dong thành nhiều dạng sản phẩm phong phú hơn nữa. 
Cơ hội đầu tư hết sức khả thi khác là từ các sản phẩm đặc sản đã được bảo hộ gồm quýt Bắc Kạn; gạo Bao thai Chợ Đồn; hồng không hạt. Các sản phẩm này đều đã khẳng định được giá trị về thực phẩm cũng như về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, chưa có một dự án chế biến nào có tầm cỡ hướng về các sản phẩm này. 
Tiềm năng đặc biệt lớn với Bắc Kạn hiện tại là công nghiệp chế biến gỗ. Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh thì diện tích rừng trồng mới tăng mạnh qua các năm. Quyết tâm trồng được 60.000ha rừng trong nhiệm kỳ Đảng bộ hứa hẹn tạo ra một vùng gỗ nguyên liệu cực lớn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có Nhà máy ván ghép thanh của Công ty Cổ phần Sahabak. Công ty này cũng đang khẩn trương xây dựng dự án Nhà máy ván MDF. Cũng đã có những công ty chủ động đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đũa xuất khẩu tại Chợ Đồn. Bên cạnh đó có thể kể ra tiềm năng lớn ở các nông sản như chè, gừng, thuốc lá, khoai môn, phát triển đàn gia súc theo hướng thịt… cũng là cơ hội đầu tư rất giá trị. 
Xúc tiến để bảo vệ nông lâm sản
Công tác xúc tiến đầu tư vào nông lâm nghiệp đang được đặt lên vị trí hàng đầu nhất là khi tỉnh ta có hàng loạt nông sản được bảo hộ. Nếu không xúc tiến, tìm kiếm được các dự án đầu tư khả thi vào những nông sản này thì có thể không lâu nữa chúng ta sẽ đánh mất giá trị thương hiệu. 
Đối với quýt Bắc Kạn và hồng không hạt bài toán khó giải nhất hiện nay chính là làm cách nào để bảo quản vì có bảo quản được lâu thì mới có thể đem đi tiêu thụ rộng rãi làm tăng chuỗi giá trị. Đặc biệt đối với quả hồng, đặc trưng là phải ngâm nước thì mới có thể ăn được. Sau ngâm nước thì lại rất khó để được lâu. Tương tự là quýt sau hái xuống cũng chỉ có thể để được một thời gian ngắn, lại rất dễ hỏng nếu vận chuyển xa. Lời giải chỉ có thể là đầu tư cho công nghệ bảo quản và công nghiệp chế biến thành nhiều dạng sản phẩm từ nguyên liệu quả này. Trong bối cảnh nhân lực thiếu, công nghệ còn chưa cao, năng lực doanh nghiệp địa phương yếu hoặc ít coi trọng lĩnh vực nông lâm nghiệp thì xúc tiến đầu tư mạnh hơn để thu hút đầu tư vào giải quyết bài toán này là tối quan trọng. Nếu không thì dù có trồng được nhiều, năng suất cao thì nông hộ vẫn sẽ phải bán theo kiểu manh mún làm giảm hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng tới thương hiệu. Thực tế, từ vài năm trước tỉnh đã có dự án khuyến khích đầu tư chế biến các nông sản nói trên kể cả chè lẫn gừng để xuất khẩu nhưng tới nay vẫn chưa có dự án nào thành hiện thực. 
Trong khi đó, với khả năng hiện tại của các nhà máy, hợp tác xã chế biến dong riềng thì một phần lớn lượng tinh bột dong sẽ lại được bán thay vì chế thành miến. Đây là điều hết sức đáng tiếc vì miến mới mang lại giá trị kinh tế lớn nhất trong chuỗi giá trị từ cây dong riềng. Điều cần là thu hút đầu tư thêm một vài nhà máy nữa có công suất lớn và bên cạnh sản phẩm chủ đạo là miến cần ưu tiên chế biến thêm nhiều sản phẩm khác từ tinh bột dong. 
Công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh đã đi đúng hướng nhưng chưa đủ về số lượng các cơ sở. Nhà máy ván ghép thanh, rồi tới đây là nhà máy ván MDF của Công ty Cổ phần Sahabak sẽ tiêu thụ rất nhiều gỗ nguyên liệu. Tuy vậy, hầu hết các sản phẩm mới chỉ ở bước sơ chế là chủ yếu. Về lâu dài xúc tiến đầu tư các dự án chế biến gỗ sâu hơn nữa là điều hết sức cần thiết và phù hợp với định hướng chiến lược của tỉnh. 
Từ năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, có 28 lĩnh vực được ưu đãi đầu tư bao gồm: trồng trọt; nuôi trồng nông, lâm, thủy hải sản, phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến... Đất đai, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường, dịch vụ tư vấn, áp dụng khoa học công nghệ, cước phí vận tải, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường... sẽ là những hạng mục được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ. Đây là căn cứ để tỉnh triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ hơn nữa. Quan trọng nhất là tạo điều kiện về mặt bằng, hạ tầng cơ sở để các doanh nghiệp quan tâm có thể nhanh chóng triển khai dự án đầu tư mà không ngại chuyện tìm đất, giải phóng mặt bằng hay không đường, không điện./.
Tuấn Sơn

Xem thêm