Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 15/5/2017 của Tỉnh ủy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên.

Cán bộ kiểm lâm và người dân trên đường tuần tra bảo vệ Vườn Quốc gia Ba Bể.
Cán bộ kiểm lâm và người dân trên đường tuần tra bảo vệ Vườn Quốc gia Ba Bể.

Tỉnh Bắc Kạn hiện có 3 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích hơn 29.913ha, chiếm 7,16% diện tích đất lâm nghiệp (trong đó Vườn Quốc gia Ba Bể 10.048ha; Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ 15.715ha; Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc 4.150ha). Hầu hết, các khu rừng đặc dụng có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, một số khu vực là rừng nguyên sinh có trữ lượng rừng lớn, do vậy luôn đối mặt với nguy cơ bị xâm hại.

Chỉ thị số 13-CT/TU nêu rõ: Tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể. Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền huyện, xã, các ngành, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương; một số cán bộ kiểm lâm thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; việc xử lý các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu địa phương, đơn vị khi để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật cũng như xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng chưa nghiêm, chưa triệt để, không đủ sức răn đe… Để kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nhằm chủ động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Tỉnh ủy, các đơn vị quản lý rừng đặc dụng đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể, chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Lâm nghiệp, Chỉ thị số 13-CT/TU của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; phối hợp với cơ quan báo chí, truyền hình xây dựng các chuyên mục, bài viết tuyên truyền các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, quản lý bảo vệ rừng, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển rừng đặc dụng.

Từ năm 2017 đến nay, tại 3 khu vực có rừng đặc dụng, cơ quan chuyên môn đã tổ chức tuyên truyền được hơn 1.100 cuộc với trên 45.000 lượt người tham gia, bằng hình thức thông qua các cuộc họp thôn, bản. Tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng đối với 90% hộ dân các thôn thuộc đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng. 100% các tổ chức, cá nhân buôn bán, kinh doanh lâm sản cam kết không vi phạm các quy định về kinh doanh, chế biến lâm sản…

Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 được nỗ lực thực hiện: Hỗ trợ bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng bằng cây, con giống phát triển kinh tế; hỗ trợ vật liệu xây dựng để xây dựng cầu dân sinh, đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà họp thôn, hệ thống cấp nước sinh hoạt, đường điện... 5 năm qua, đã có gần 34 tỷ đồng được giải ngân hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư thôn, bản sống trong vùng đệm, vùng lõi các khu rừng đặc dụng.

Cùng với đó, những sai phạm để xảy ra tình trạng khai thác rừng, chặt hạ gỗ nghiến trái pháp luật trong các khu bảo tồn, vườn quốc gia được xử lý nghiêm. Lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 277 vụ vi phạm (giảm hơn 600 vụ, so với giai đoạn trước), trong đó có 24 vụ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, khởi tố hình sự. Các vụ việc hình sự được các cơ quan tư pháp phối hợp điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Đã có nhiều cán bộ, viên chức kiểm lâm bị kiểm điểm, kỷ luật; nhiều đối tượng khai thác rừng đặc dụng trái phép bị phạt tù… Qua đó góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa và tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Qua thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU đã bộc lộ hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của cấp dưới, người dân, hoặc mới chỉ tập trung ở từng giai đoạn, thời điểm nhất định. Từ khi quy hoạch, thành lập các khu rừng đặc dụng, cơ quan chuyên môn chưa có phương án xử lý đất, tài sản trên đất của người dân. Lâm sản quý hiếm có mức lợi nhuận lớn đã kích thích các đối tượng thực hiện hành vi khai thác, mua bán trái pháp luật. Chính sách phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc dụng chủ yếu tập trung hỗ trợ xây dựng hạ tầng, chưa có nhiều mô hình sinh kế bền vững. Mức hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ cộng đồng còn rất thấp, chưa cải thiện được đời sống của người dân.

Dẫu còn hạn chế, song có thể thấy, Chỉ thị số 13-CT/TU đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng. Các chính sách hỗ trợ đã góp phần cải thiện sinh kế, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ an toàn cho các khu rừng đặc dụng trên địa bàn./.

Phan Quý

Xem thêm