Lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia tích cực vào các Tổ công nghệ số cộng đồng. |
Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, thôn tổ dân phố. Tổ này giúp triển khai có hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 108/108 xã thành lập được Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292/1.292 thôn, bản thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia.
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của Tổ công nghệ số cộng đồng, thời gian qua các cấp, ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc thành lập, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình này. Cụ thể như: Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số cho gần 1.800 người là lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn và thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn. Bên cạnh đó, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng còn được bồi dưỡng, tập huấn hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số… để triển khai tại địa phương.
Trước đó, trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp hướng dẫn thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã cách tạo tài khoản và đăng ký gian hàng trực tuyến để giao dịch, mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử Posmart.vn, Voso.vn; cách tạo tài khoản ví điện tử của Viettel, VNPT, Mobiphone. Đến nay, toàn tỉnh có 104.933 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 91.881 hộ được đào tạo kỹ năng số; 973 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; phát sinh được 27.176 giao dịch trên sàn thương mại điện tử…
Ngay sau khi có chủ trương của tỉnh, thành phố Bắc Kạn đã thành lập 8/8 Tổ công nghệ số cấp xã, phường; 117/117 Tổ công nghệ số cấp thôn, tổ; lên kế hoạch và tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho 756 thành viên... Cách làm của thành phố là huy động sự vào cuộc của đoàn viên, thanh niên am hiểu về công nghệ thông tin. Ứng trực theo lịch tại các bộ phận “một cửa” để giúp đỡ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức các đội, nhóm đến từng tổ dân phố, tiếp xúc trực tiếp để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các phần mềm tiện ích trực tuyến trên điện thoại thông minh…
Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho hay: Hiện toàn huyện thành lập được 14/14 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 153/153 Tổ cấp thôn, tổ với tổng cộng 862 thành viên. Thực tiễn cho thấy, nơi nào lãnh đạo địa phương năng động, quan tâm đến chuyển đổi số thì hoạt động của Tổ đạt hiệu quả cao. Nổi bật như tại xã Thanh Vận, thị trấn Đồng Tâm… Tuy nhiên tại các xã vùng sâu, do hạ tầng CNTT, nhận thức và trình độ của cán bộ, người dân còn hạn chế nên hiệu quả hoạt động của mô hình chưa cao. Giải pháp của huyện thời gian tới là tiếp tục nâng cao dân trí, đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chuyển đổi số với cuộc sống…
Những vấn đề mà lãnh đạo huyện Chợ Mới chỉ ra cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thành viên các tổ này chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, không ít người nắm bắt chưa vững nội dung tập huấn, am hiểu về công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn ít; một số chưa thực sự tâm huyết với nhiệm vụ được giao, còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ. Mặt khác, các xã, phường hiện vẫn chưa có công chức chuyên trách về công nghệ thông tin. Tỷ lệ phổ cập điện thoại thông minh trong Nhân dân chưa cao; một bộ phận người dân còn chưa tin tưởng sử dụng dịch vụ công trực tuyến… Đây chính là những khó khăn cần tháo gỡ để hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng phát huy hiệu quả cao hơn trong thời gian tới./.