Ngành Nông nghiệp chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu

Những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động không nhỏ đến đời sống, lao động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động không nhỏ đến đời sống, lao động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị chuyên môn, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để thực hiện nhiều giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH trong sản xuất. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2012-2020, thiên tai đã làm 19 người chết, 37 người bị thương; 46.423 ngôi nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng; 50.451ha lúa, hoa màu thủy sản bị thiệt hại, 9.353 con vật nuôi bị chết; 583 công trình thủy lợi bị hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính trên 740 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, thiên tai đã làm 4 người bị thương, hư hỏng 5.824 ngôi nhà, 944ha cây trồng..., thiệt hại ước tính trên 33 tỷ đồng.

Những năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNN tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương, thực hiện chuyển đổi các loại cây, con giống phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với BĐKH.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNN tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương, thực hiện chuyển đổi các loại cây, con giống phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với BĐKH.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Kim Oanh cho biết: Để ứng phó với BĐKH, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng sử dụng những giống mới có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện thời tiết và canh tác của tỉnh. Đến nay, diện tích trồng lúa sử dụng giống lúa chất lượng chiếm trên 30% tổng số diện tích. Đối với cây ngô, 100% diện tích sử dụng giống mới chất lượng. Các tiến bộ khoa học – kỹ thuật áp dụng trong sản xuất như: Canh tác lúa của tiến SRI trên cây lúa, quản lý dịch hại theo IPM trên cây trồng... với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến - SRI nhằm hạn chế tiêu cực của BĐKH trong sản xuất lúa tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Na Rì, Pác Nặm, Ba Bể và Chợ Mới. Ngoài ra, còn một số mô hình khác như: Phát triển cây khoai tây thích ứng rét; Chăn nuôi thích ứng rét; Dong riềng chống chịu hạn trên đất lúa một vụ. Về phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến trong ứng phó với BĐKH, đã nghiên cứu, lựa chọn được một số giống lúa thuần, lúa chất lượng, có thời gian sinh trưởng phát triển ngắn, phù hợp với thời vụ, điều kiện địa phương, tránh được mùa mưa lũ.

Cùng chung tay với các ngành chức năng, địa phương cơ sở trong việc chủ động ứng phó, đồng thời thích ứng với BĐKH trên địa bàn, người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức đối với việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, đồng thời thích ứng với BĐKH. Tại nhiều địa phương, người dân đã thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang phương thức nhóm hộ, hợp tác xã, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường. Các mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết "4 nhà", từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho tỉnh, các cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai; Ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh triển khai lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn của đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biến đổi khí hậu nhằm nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó, thích ứng với BĐKH trong cộng đồng; Ứng dụng hạn chế tiêu cực của BĐKH trong sản xuất, như sử dụng các giống lúa, ngô, khoai, dong riềng... ngắn ngày nhưng vẫn đảm bảo về năng suất, chất lượng. Chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và quản lý các công trình thủy lợi, nhằm phục vụ tốt cho sản xuất, góp phần ổn định và cải thiện đời sống vật chất cho Nhân dân.../.

Quý Đôn

Xem thêm