Diễn ra trong ba ngày, từ mùng 02 đến mùng 04/11, ngày hội có sự tham gia của tám tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Ngày hội cũng là sự kiện chào mừng kỷ niệm 193 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831-04/11/2024) và 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909-04/11/2024).
Với chủ đề "Văn hóa vùng Đông Bắc-Bản sắc, hội nhập và vươn xa", Ngày hội nhằm phát huy tinh thần đoàn kết nhân dân các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; giới thiệu tiềm năng về văn hóa, thể thao và du lịch đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đông Bắc, góp phần phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Lễ khai mạc diễn ra vào 20 giờ tối 02/11 tại sân khấu chính quảng trường đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia VTV2, tiếp sóng trên kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên đài phát thanh-truyền hình các tỉnh, thành phố.
Lễ bế mạc diễn ra từ 15 giờ chiều 04/11 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lạng Sơn, số 19 đường Quang Trung, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.
Các hoạt động văn hóa sẽ diễn ra tại sân khấu phụ Công viên Chi Lăng, đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, gồm: trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc.
Các hoạt động thể thao gồm: thi đấu các môn kéo co, đẩy gậy, tung còn, đi cà kheo.
Các hoạt động du lịch gồm: trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; hội thảo khoa học với chủ đề "Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - Khơi nguồn và phát triển".
Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước, các tỉnh tham gia sẽ giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tới bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó thúc đẩy hiểu biết, tăng cường nhận diện, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa, du lịch toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, điểm nhấn của ngày hội là quảng bá, tuyên truyền và thúc đẩy du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Ngày 08/9, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ tám Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại Cao Bằng, Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Dự kiến, Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tại Cộng hòa Chile vào năm 2025.
Trong khuôn khổ ngày hội sẽ trưng bày triển lãm "Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; triển lãm ảnh "Đại gia đình các dân tộc vùng Đông Bắc - Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc"; không gian quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh và các huyện, thành phố, một số doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn.
Dịp này, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động nhóm liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tám tỉnh vùng Đông Bắc./.