Nghề làm bún, phở Phủ Thông trong những ngày cận Tết

Là địa phương có truyền thống làm phở lâu đời, những ngày cận Tết những hộ làm phở ở thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) lại càng thêm phần bận rộn vì nhu cầu khách hàng đặt hàng tăng cao. 

Là địa phương có truyền thống làm phở lâu đời, những ngày cận Tết những hộ làm phở ở thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) lại càng thêm phần bận rộn vì nhu cầu khách hàng đặt hàng tăng cao. 

 Cơ sở sản xuất bún khô của chị Đinh Thị Nguyệt ở thị trấn Phủ Thông hoạt động liên tục những ngày cận tết.
Cơ sở sản xuất bún khô của chị Đinh Thị Nguyệt ở thị trấn Phủ Thông hoạt động liên tục những ngày cận Tết.

Khoảng hơn 1 tháng nay, Cơ sở sản xuất bún của chị Đinh Thị Nguyệt ở phố Nà Hái, thị trấn Phủ Thông luôn hoạt động hết công suất. Mọi người đến đây chủ yếu làm bún để dự trữ ăn trong những ngày Tết, đây cũng là thói quen mà đồng bào ở các xã của huyện Bạch Thông thường xuyên duy trì.

Cô Nguyễn Thị Tấm, thôn Cốc Thốc, xã Vi Hương cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là gia đình tôi lại làm 10kg bún. Bún được làm bằng gạo Bao thai rồi lấy về phơi khô để ăn dần trong những ngày Tết”. Cơ sở sản xuất bún của chị Nguyệt bình quân một ngày làm gần 1 tấn gạo, rất nhiều người không chỉ ở thị trấn Phủ Thông mà các xã lân cận như Mỹ Phương (Ba Bể) hay Kim Hỷ (Na Rì) đều ra tận đây để làm bún. Do đầu tư thiết bị máy móc đồng bộ nên các công đoạn làm bún diễn ra nhanh, gọn, người đến làm bún nhận thành phẩm chỉ sau vài tiếng chờ đợi.

Theo những người dân, muốn có sợi bún ngon, dai, không bị đứt gẫy phải lựa chọn gạo Bao thai, ngâm nước từ 1-2 đêm, rồi mang xay xát, nhào nặn, cho vào khuôn để ép thành những sợi bún đậm đặc. Bún thành sợi phơi khô trong điều kiện thời tiết nắng nhẹ là có thể cất đi sử dụng.

Để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của khách hàng, chị Nguyệt còn làm thêm bún với hương vị lá nếp cẩm tím, cẩm đỏ, gấc... Giá 1kg bún cẩm đỏ, tím là 35.000 đồng/kg khô, bún gấc 40.000 đồng/kg khô. Mặc dù so với mặt bằng chung trên thị trường, giá bán có thể cao hơn đôi chút nhưng vẫn thu hút người tiêu dùng bởi đảm bảo an toàn, sạch sẽ, hương vị tự nhiên. Thời gian tới, chị Nguyệt có ý định đăng ký nhãn hiệu để tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm bún khô của Cơ sở.

Cũng là hộ gắn bó với nghề làm phở Phủ Thông mấy chục năm nay, bà Lăng Thị Hoan ở phố Đầu Cầu, thị trấn Phủ Thông mấy ngày cận Tết chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Do nhu cầu khách đặt hàng tăng nên bà phải huy động các thành viên trong gia đình hỗ trợ, mỗi một ngày tráng tới 80kg bột gạo, gần như gấp đôi ngày thường. Bà Hoan bộc bạch: “Năm nào cũng vậy, gần Tết lượng khách tìm mua phở khô tăng lên, chúng tôi làm không kịp, tuy nhiên do nhiều người yêu thích phở Phủ Thông nên mình cũng cố làm để phục vụ khách hàng”. Theo bà Hoan, thời gian này, giá gạo mua vào tăng cao nên giá sản phẩm bán ra buộc phải tăng theo. Với nhu cầu của khách hàng đặt số lượng lớn, dự kiến đến khoảng ngày 30 Tết bà Hoan mới có thể nghỉ ngơi.

Dù Tết đến rất gần nhưng gia đình bà Lăng Thị Hoan ở phố Đầu Cầu vẫn miệt mài tráng phở để kịp phục vụ khách hàng.
Những ngày cận Tết, gia đình bà Lăng Thị Hoan, phố Đầu Cầu vẫn miệt mài tráng phở để kịp phục vụ khách hàng.


Thị trấn Phủ Thông hiện có khoảng 26 hộ làm bún, phở khô. Từ món ăn truyền thống theo cách làm thủ công thì giờ đây nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động. Nghề làm bún, phở không chỉ gói gọn phục vụ trong phạm vi gia đình mà đã trở thành sản phẩm hàng hóa phổ biến trên thị trường, trở thành nghề của nhiều hộ dân. Trước đây, thị trấn Phủ Thông đã thành lập HTX chuyên lĩnh vực sản xuất bún, phở khô nhưng do nhiều lý do khác nhau nên hiện không còn hoạt động. Tuy vậy, ngành nghề này vẫn được duy trì, hoạt động hiệu quả cho đến ngày nay.

Tết đã về đến mỗi nhà, ai nấy đều tất bận, trang hoàng nhà cửa, vệ sinh đường phố. Với các hộ làm nghề bún phở Phủ Thông cũng vậy, họ làm ra sản phẩm được các gia đình tin dùng đón nhận, đó chính là động lực để nhân lên nhiều niềm vui trong ngày Tết./.

Thu Trang
 

Xem thêm