Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu, người bảo tồn Then cổ

BBK - Vừa qua, ông Nguyễn Đăng Lưu là đại diện duy nhất của tỉnh Bắc Kạn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian và tập quán xã hội.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu, người bảo tồn Then cổ

Hơn 60 năm thực hành và nắm giữ dòng Then cổ, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của người Tày, Nùng đã được công nhận, ông Lưu luôn say mê, nhiệt tình truyền dạy cho các thế hệ kế cận, nỗ lực làm phong phú thêm kho tàng làn điệu Then, với mong muốn di sản văn hoá quý báu này được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ trong cộng đồng, mãi trường tồn với thời gian.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen và danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" cho ông Nguyễn Đăng Lưu.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen và danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" cho ông Nguyễn Đăng Lưu.

Sinh ra và lớn lên ở xã Hữu Thác (Na Rì), năm 8 tuổi, ông Lưu đã được cụ và ông nội truyền dạy Then cổ và các nghi lễ quan trọng của người Tày như: Cầu an, giải hạn, cầu mùa, kỳ yên, lễ đầy tháng… Năm 11 tuổi, ông chính thức được cấp sắc, bắt đầu hành nghề thầy Then.

Năm 20 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ. Tiếng hát Then và đàn Tính của ông theo dọc chiến trường, biểu diễn trong các chương trình văn nghệ của đơn vị. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, ông chuyển ngành về Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bắc Thái, được phân công làm cán bộ tuyên truyền của Đội thông tin lưu động. Tại đây, ông Lưu tiếp tục cống hiến những tiết mục đàn Tính, hát Then trong các buổi biểu diễn cho bà con nhân dân. Năm 1977, ông được điều động về công tác tại Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Na Rì. Về quê hương, ông được giao nhiệm vụ giảng dạy hát Then và đàn Tính cho đội văn nghệ ở các xã và sáng tác lời Then mới.

Với 77 năm tuổi đời, nhưng bản thân nghệ nhân Lưu đã có tới 68 năm gắn bó với Then cổ. Ông đã đặt lời mới cho 20 làn điệu Then cổ để truyền dạy cho các thế hệ con, cháu; xây dựng hơn 30 chương trình văn nghệ quần chúng và các nghi lễ, lễ hội; truyền dạy hát Then, đàn Tính cho khoảng 300 người đam mê nghệ thuật hát Then. Có thể kể đến những học trò xuất sắc mà ông đã truyền dạy như: Bà Lý Thị Bỏng ở thôn Nà Khưa, xã Cường Lợi; anh Lục Văn Hiệp ở xã Sơn Thành (Na Rì); ông Hoàng Văn Thăng ở Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang...

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu cùng các diễn viên của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn tham gia tiết mục tại Chương trình "Chào Xuân 2023"

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu cùng các diễn viên của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn tham gia tiết mục tại Chương trình "Chào Xuân 2023"

Ngoài bảo tồn, giữ gìn làn điệu Then cổ, ông còn là thầy Tào nổi tiếng trong vùng, mọi người đều nhắc tới với một niềm trân trọng “Tào Lưu” (người thực hành tín ngưỡng trong cộng đồng). Các lễ kỳ yên, giải hạn, nối số, cấp sắc, đầy tháng, đưa tang, mãn tang… mọi người đều tín nhiệm mời ông giúp. Ông Lưu cho biết: “Tôi rất vinh dự tự hào khi được nắm giữ di sản văn hoá truyền thống của dân tộc để phục vụ bà con nhân dân. Đây là món ăn tinh thần cũng như nghi lễ, tập tục không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Bắc Kạn. Tuy nhiên, những người thực hành Then cổ tại tỉnh Bắc Kạn chỉ còn lác đác. Nguyên nhân chính là học Then cổ khó hơn Then văn nghệ và cũng đòi hỏi khắt khe hơn đối với những người theo học dòng Then này".

Người được chọn để theo dòng Then tín ngưỡng phải là người trong gia đình có dòng Then, được truyền từ nhiều đời và phải là người có căn Then. Do vậy, việc phát triển dòng Then tín ngưỡng gặp rất nhiều khó khăn.

Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” là phần thưởng có ý nghĩa động viên to lớn đối với cá nhân ông Nguyễn Đăng Lưu. Đó là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp bền bỉ của ông trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hoá dân tộc qua nhiều thập kỷ. Dù đã bước sang tuổi 78, nhưng ông Lưu vẫn miệt mài, say mê với làn điệu Then cổ và thực hành các nghi lễ của dân tộc. Hy vọng rằng, những thế hệ kế cận của ông sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy di sản văn hoá truyền thống này, để những làn điệu Then cổ ăn sâu vào máu thịt, trở thành một thành tố không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng người dân nơi đây./.

Xem thêm