TRỢ GIÚP PHÁP LÝ:

Người được trợ giúp pháp lý có những quyền gì?

BBK - Người được trợ giúp pháp lý thì không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

Cau 7.png

Trả lời: Điều 8, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người được trợ giúp pháp lý có các quyền sau:

- Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác: Người được trợ giúp pháp lý sẽ được tư vấn, hướng dẫn giải đáp pháp luật; được cử người tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích trong các vụ án; được cử người đại diện ngoài tố tụng bảo vệ quyền lợi trước cơ quan có thẩm quyền mà không phải trả bất kỳ khoản tiền hay lợi ích nào khác...

Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi nhận hoặc đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại hoặc tố cáo hành vi trên với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có quyền tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý. Trường hợp người được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội theo quy định pháp luật tố tụng hoặc là người bị bệnh hiểm nghèo hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự... mà không thể tự mình thực hiện được quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý thì họ có thể thông qua người thân thích, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý.

- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

Khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người dân đều được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý.

Khi đến làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật trợ giúp pháp lý, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn lắp đặt Bảng thông tin trợ giúp pháp lý, Hộp thông tin trợ giúp pháp lý tại Ủy ban nhân dân cấp xã, bộ phận tiếp công dân của Ủy ban nhân dân cấp huyện; trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện để cung cấp thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý cho người dân.

- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý và ngay cả khi vụ việc, việc trợ giúp pháp lý đã kết thúc, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về vụ việc, việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của người được trợ giúp pháp lý hoặc luật có quy định khác.

Trong trường hợp tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý cố tình tiết lộ thông tin mà việc tiết lộ thông tin gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý có quyền yêu cầu tổ chức thực hiện hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

+ Người được trợ giúp pháp lý có quyền lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố.

+ Yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý: Trong quá trình trợ giúp pháp lý, nếu người thực hiện trợ giúp pháp lý có một trong các hành vi vi phạm điều cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 như: Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, có hành vi phân biệt đối xử với người được trợ giúp pháp lý, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý, sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý, thì người được trợ giúp pháp lý có quyền yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thay đổi người đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho mình. Khi yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý là có căn cứ, thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải ra Quyết định thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Với quy định này sẽ không giới hạn thời điểm thay đổi, rút yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý, theo đó người được trợ giúp pháp lý có quyền thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình thực hiện vụ việc.

Trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý muốn thay đổi hoặc rút yêu cầu trợ giúp pháp lý, thì người được trợ giúp pháp lý làm đơn nêu rõ yêu cầu thay đổi hoặc rút yêu cầu trợ giúp pháp lý gửi tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Khi người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý thì vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đến người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đối với các hành vi sau của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình:

(1) Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý;

(2) Không thực hiện trợ giúp pháp lý;

(3) Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật;

(4) Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.

Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Xem thêm