Nhận diện và phòng ngừa lừa đảo qua mạng

BBK - Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng mạng viễn thông, internet lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục trở thành nạn nhân của lừa đảo qua mạng. 

z5498963594489_0fa5e8f38961604235b3d59c2f2e199e
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng.

Hình thức thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến trong các giao dịch hằng ngày. Lợi dụng điều này, thủ đoạn lừa đảo qua mã QR cũng xuất hiện với chiêu trò hết sức tinh vi. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm cách dán đè mã QR lên các mã QR của các cửa hàng kinh doanh (tức là đánh tráo mã QR), khi khách hàng đến mua hàng và thanh toán thì số tiền đó sẽ chuyển đến tài khoản của đối tượng lừa đảo. Nếu khách hàng và người bán hàng không kiểm tra cẩn thận rất dễ bị sập bẫy.

Cũng với chiêu thức lợi dụng mã QR, các đối tượng lừa đảo tinh vi hơn bằng cách treo thẻ có chứa mã QR trên xe, cửa nhà của người dân. Các thẻ “lạ” này màu vàng có ghi số 50.000 ở mặt trước; mặt sau thẻ ghi các thông tin hướng dẫn và kèm theo số thẻ, mật khẩu cùng mã QR. Nếu quét mã QR có thể khiến điện thoại bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, khi đó đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội của nạn nhân.

Thời quan qua, rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh nhận được các cuộc gọi mạo danh Công an để yêu cầu kích hoạt và hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử. Có trường hợp tại thành phố Bắc Kạn đã mắc bẫy và mất hàng chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Chiêu trò mạo danh cán bộ, Công an yêu cầu bổ sung số liệu, thông tin, định danh điện tử VNeID, giả danh cán bộ bảo hiểm yêu cầu cập nhật VssID... hiện nay vẫn phổ biến. Trong tháng 6 và tháng 7/2024, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn đã phải liên tiếp ban hành 02 văn bản về việc cảnh báo mạo danh cán bộ cơ quan BHXH yêu cầu đồng bộ dữ liệu, căn cước công dân vào ứng dụng VssID.
Theo thông tin từ BHXH tỉnh, thời gian qua đã nhận được nhiều phản ánh của người dân, người lao động về việc một số đối tượng gọi điện thoại yêu cầu họ cập nhật CCCD, địa chỉ email… vào ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội” bằng đường link do sai thông tin, yêu cầu người dân kết bạn Zalo trên điện thoại để hướng dẫn điều chỉnh. Người dân cần hết sức cảnh giác khi thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng, nếu có nhu cầu điều chỉnh thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính thì chỉ liên hệ qua các kênh chính thống.

Các chiêu trò lừa đảo qua mạng ngày càng phức tạp, các đối tượng tạo ra các “câu chuyện lừa đảo” ngày càng tinh vi. Nổi lên là hình thức giả danh cán bộ cơ quan chức năng gọi điện thoại yêu cầu cập nhật thông tin ứng dụng, dẫn dụ vào các đường link theo hướng dẫn sau đó chiếm đoạt tài sản; lôi kéo, dụ dỗ tham gia các nhóm “việc nhẹ, lương cao”; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để nhắn tin vay, mượn tiền; mua bán qua mạng internet…

Thực tế, những hình thức lừa đảo trên môi trường mạng đã được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên không ít người vẫn "sập bẫy". Theo cơ quan chức năng, 7 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an tỉnh đã tiếp nhận điều tra, xử lý 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có tới 07 vụ lừa đảo qua mạng với 08 đối tượng, thiệt hại 500 triệu đồng.

Cơ quan chức năng dự báo tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Để tránh "sập bẫy" lừa đảo qua mạng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động nhận diện các phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Cùng với đó tích cực tham gia phòng, chống và phát hiện, tố giác tội phạm từ cơ sở, thúc đẩy hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”./.

Xem thêm