Cố Nhạc sĩ Hạ Sơn. |
Nhạc sĩ Hạ Sơn sinh năm 1940 tại thành phố Bắc Kạn. Sinh ra trong một gia đình đông con, bố mất sớm khi ông mới được 9 tuổi, tuổi thơ của ông là chuỗi thời gian nhọc nhằn vất vả, thiếu thốn. Nhưng vượt lên tất cả, vốn là người có năng khiếu và đam mê âm nhạc từ nhỏ nên vừa lao động phụ giúp gia đình, ông vừa tích góp đồng tiền công ít ỏi để mua đàn ghi ta và sách tự học về âm nhạc.
Thời kỳ đó ông là người tích cực đóng góp vào các hoạt động văn nghệ của địa phương. Khi trở thành người lính, thấy ông có năng khiếu âm nhạc, đơn vị đã chọn cử đi đào tạo bồi dưỡng về âm nhạc. Từ đó nhiều sáng tác của ông ra đời phục vụ bộ đội. Tuy nhiên, do đặc thù công việc là lái xe chuyên chở vũ khí đạn dược vào chiến trường, nay đây mai đó nên ông ít có điều kiện để tham gia hoạt động sáng tác. Sau này khi đã chuyển ngành do phải lo toan cuộc sống mưu sinh nên ông cũng ít có điều kiện để phát huy khả năng sáng tác âm nhạc của mình.
Mãi sau này khi đã về nghỉ và nỗi lo cơm áo gạo tiền đã bớt đi, ông mới có điều kiện, thời gian đầu tư cho sáng tác. Ông tâm sự: “Dẫu thời gian phục vụ trong quân đội không dài, nhưng 5 năm trong quân ngũ giữa những tháng ngày chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt là những năm tháng đầy ý nghĩa. Mỗi khoảnh khắc được sống và chiến đấu cùng đồng đội trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã để lại trong tôi những cảm xúc đặc biệt không thể nào quên. Đề tài về người lính vẫn là đề tài mà tôi tâm đắc nhất và có nhiều tác phẩm nhất”.
Mỗi khi nghĩ về những năm tháng hào hùng của dân tộc, về những đồng đội đã mãi mãi ra đi vì độc lập tự do của Tổ quốc, ông lại viết nên những dòng tâm sự, những nốt nhạc như một lời tâm sự, tri ân. Ca khúc “Gửi người chiến sĩ Phủ Thông” của ông chính là một trong những tác phẩm thể hiện tấm lòng, sự tri ân với đồng đội, với đất nước và quê hương Bắc Kạn mến yêu.
Trong một lần được đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Phủ Thông (nay là Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn), nhạc sĩ Hạ Sơn không khỏi bồi hồi xúc động khi thắp nén nhang viếng những người đồng đội nằm lại trên nghĩa trang này. Ông thổn thức nhớ về những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận công đồn Phủ Thông năm xưa. Họ là những chiến sĩ mới rời làng quê ra đi với khát vọng lớn lao là giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Họ đến từ mọi miền quê, từ miền xuôi đến miền ngược: Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang... Có rất nhiều ngôi mộ không tên.
Cảm xúc, lòng cảm phục, nhớ thương vô bờ và tâm hồn người lính đã giúp ông viết lên bài hát “Gửi người chiến sĩ Phủ Thông” như là một lời tri ân và để các thế hệ mai sau luôn nhắc nhớ về họ - những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc!
Ca khúc được viết theo nhịp đi, âm hưởng trầm hùng gợi cho người nghe cảm xúc tự hào, xen lẫn sự tiếc thương, bồi hồi. Đoạn tiếp theo của bài hát được tác giả viết nhắc lại nêu bật phẩm chất sáng ngời của người chiến sĩ Phủ Thông và ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Phủ Thông:
“Chiến thắng Phủ Thông! Bão táp hờn căm dội lên đồn thù – Chân trần giẫm đạp lên thép đỏ - Con cháu của Người khao khát đời tự do. Chiến sĩ Phủ Thông! Bao nhiêu miền quê về đây hội tụ - Cho trận đánh đi vào trang sử - Phủ Thông, Đèo Giàng vọng mãi đến ngàn sau…”
Lời ca ở đoạn tiếp theo lắng đọng, xao xuyến như lời tâm tình của gió núi quê hương với người đã khuất. Các anh hãy yên nghỉ nơi đây, trên đồi cao đầy nắng gió, trong nghĩa tình yêu thương của đồng bào các dân tộc nơi đây mà hôm nay cuộc sống đã và đang đổi thay từng ngày…
“… Trên đồi cao nơi các anh nằm – Gió vẫn rì rào như lời Mẹ ngày đêm ru hát – Và hoa vẫn bốn mùa nở hương thơm ngào ngạt …”.
Đoạn kết của bài hát âm nhạc vút cao và lời ca ngân vang niềm tự hào:
“ Tổ quốc đời đời ghi công ơn các anh – Bắc Kạn tự hào có một chiến thắng Phủ Thông!”
Khi viết xong ca khúc này, ông tâm sự: “Tôi thật sự cảm kích và thấy trong lòng thật thư thái vì đã có được tác phẩm tri ân các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận công đồn Phủ Thông năm xưa, cũng là để tri ân các đồng đội thân yêu đã mãi mãi ra đi vì đất nước!
Ca khúc này ông đã gửi tham dự Cuộc thi sáng tác Thơ, truyện ngắn, ca khúc tỉnh Bắc Kạn lần thứ 2 và đã giành được giải cao của cuộc thi. Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn cùng Nhạc sĩ Nông Văn Nhủng đã kịp thời phối hợp với Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng thu thanh bài hát này. Sau khi phát sóng ca khúc đã giành được sự mến mộ và đánh giá cao của khán thính giả.
Có thể nói, sau ca khúc “Chiến thắng Phủ Thông” của cố nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên thì ca khúc “Gửi người chiến sĩ Phủ Thông” của cố Nhạc sĩ Hạ Sơn được mọi người đánh giá là một trong những ca khúc thành công viết về Chiến thắng Phủ Thông oai hùng!
Tháng Bảy thiêng liêng lại về với quê hương Bắc Kạn mến yêu! Giai điệu trầm hùng của bài hát “Gửi người chiến sĩ Phủ Thông” lại vang lên trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn và mãi ngân vang trong lòng thế hệ trẻ hôm nay!
Nhạc sĩ Hạ Sơn đã đi xa, đi về với những người đồng đội của ông, về với những người Chiến sĩ Phủ Thông năm xưa! Đôi dòng viết về ông, về bài hát của ông không thể nói hết sự tri ân của thế hệ hôm nay với ông và các đồng đội của ông đã nằm xuống vì đất mẹ yêu thương. Người viết bài viết này và mọi người đều tin và rất tin rằng tấm lòng, tình cảm của ông, giai điệu, âm hưởng bài hát của ông sẽ còn mãi với các thế hệ mai sau, còn mãi với thời gian, với non sông đất nước, với quê hương Phủ Thông, với mảnh đất Bắc Kạn mến yêu!
Ma Phương Tân