Những khó khăn trong sản xuất vụ đông ở Pác Nặm

Là huyện thuần nông nhưng những năm qua, sản xuất vụ đông ở Pác Nặm gần như không phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất vụ đông, trong khi đời sống của người dân vẫn còn khó khăn.

Là huyện thuần nông nhưng những năm qua, sản xuất vụ đông ở Pác Nặm gần như không phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất vụ đông, trong khi đời sống của người dân vẫn còn khó khăn.

Người dân xã Bộc Bố chăm sóc cây trồng vụ đông.
Người dân xã Bộc Bố chăm sóc cây trồng vụ đông.

Những năm gần đây, nhờ chú trọng phát triển cây rau màu, gia đình anh Tô Văn Nam, thôn Nà Phẩn, xã Bộc Bố có thu nhập khoảng 30 triệu đồng từ hơn 1.000m2 ruộng. Đặc biệt vào vụ đông, diện tích rau màu của gia đình lại tăng lên bởi đây là thời điểm trồng được nhiều loại rau màu, giá bán cũng cao hơn.


Nhận thấy những giá trị kinh tế do trồng cây vụ đông đem lại cho bà con trong thôn, vụ đông năm nay chị Hoàng Thị Oanh, (cùng thôn Nà Phẩn) cũng làm theo. Trên diện tích khoảng 1.000m2, chị Oanh gieo trồng loại rau màu khác như: bắp cải, xu hào, cải cúc, cải ngọt, cà chua. Để đảm bảo thời gian cho sản xuất vụ đông, trước đó chị Oanh đã sử dụng những giống cây ngắn ngày cho vụ xuân và vụ mùa. Chị Oanh cho biết: Trồng cây vụ đông với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như Pác Nặm đòi hỏi phải có sự tính toán hợp lý về khung thời vụ và tốn nhiều công chăm sóc, vun trồng. Mặc dù vất vả chăm sóc nhưng trồng cây vụ đông cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng ngô hay lúa.


Ngoài mục đích chính là tăng thu nhập, việc trồng cây vụ đông còn giúp giải quyết vấn đề rau xanh an toàn cho người dân. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Pác Nặm rất ít hộ dân làm được điều trên. Trừ một số thôn trung tâm thuộc các xã Bộc Bố, Giáo Hiệu, Nghiên Loan có phong trào sản xuất vụ đông, còn lại phần lớn các thôn, bản ở Pác Nặm thường để đất trống trong nhiều tháng mùa đông. Không nói gì đến sản xuất hàng hoá, ngay cả việc trồng rau màu phục vụ nhu cầu bữa ăn cho gia đình cũng không được các hộ dân chú trọng. Mỗi ngày có một lượng lớn rau xanh và các loại thực phẩm tươi sống khác được vận chuyển từ dưới xuôi lên Pác Nặm, đây chính là một nghịch lý cần được giải quyết. Bởi sau khi thu hoạch xong lúa mùa phần lớn hộ dân Pác Nặm nghỉ ngơi trong khoảng 3 – 4 tháng. Nhân lực nhàn rỗi, đất đai bỏ trống, cuộc sống còn khó khăn nhưng lại bỏ ra từ 5 – 10.000 đồng mua rau xanh mỗi ngày. Mặc dù các hộ dân có thể khắc phục được nếu trồng cây vụ đông ở ngay mảnh đất trống trong vườn, hay ruộng ven suối.


Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Pác Nặm cho rằng, do nhiệt độ xuống thấp kéo dài và khô hạn vào mùa đông nên sản xuất vụ đông ở Pác Nặm rất nhỏ lẻ, manh mún, diện tích chưa đến 10ha. Tuy nhiên, từ những kết quả thu được của gia đình anh Nam, chị Oanh có thể thấy rằng, dù thời tiết khó khăn đến đâu cũng có thể khắc phục được, điều quan trọng nằm ở nhận thức của người dân. Vì thế, nhiệm vụ của cấp ngành chức năng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nhận thấy lợi ích từ sản xuất vụ đông. Cùng với đó là những cơ chế, chính sách khuyến khích người dân sản xuất và có hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, giúp người dân tìm thị trường tiêu thụ cho nông sản, từ đó khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai của địa phương phục vụ công tác giảm nghèo./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm