Nỗ lực thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Trong giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện tiêu chí số 6 và 16 trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những bước phát triển đáng kể. Cơ sở vật chất văn hóa từng bước được đầu tư khang trang, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sáng tạo, vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Xác định rõ điều đó, những năm qua, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, rèn luyện thể chất trong Nhân dân.

z5476700246109_26349f875131e024d90568d348d2890e.jpg
Nhà Văn hóa xã Vi Hương (Bạch Thông) được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân trên địa bàn.

Đến nay toàn tỉnh có 65/108 nhà văn hóa cấp xã, đạt 60,2%; 43/108 đơn vị cấp xã chưa có nhà văn hóa, chiếm tỷ lệ 39,8%; có 1.207/1.292 thôn, bản, tổ dân phố (gọi chung là thôn) có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 93,4% (trong đó 450/1.207 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 37,3%; có 757/1.207 nhà văn hóa thôn chưa đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 62,7%); 85/1.292 thôn chưa có nhà văn hóa, chiếm tỷ lệ 6,57%.

Hầu hết các nhà văn hóa thôn đều có trang thiết bị cơ bản như bàn, ghế, bộ trang trí khánh tiết, hệ thống âm thanh loa máy, dụng cụ thể thao đơn giản để phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân. Số người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ có 140 câu lạc bộ, với 2.955 thành viên; số người tham gia các hoạt động thể dục, thể thao có 250 câu lạc bộ, với 105.731 thành viên.

z5378346184131_2c284dc5eb99b5b8aecdbedc5dd67929.jpg
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi ở các địa phương, người dân tích cực thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh từng bước được bảo tồn, phát huy, phục dựng đưa vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làm phong phú thêm nền văn hóa của tỉnh.

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Các nội dung, tiêu chí của Phong trào đã được Ban Chỉ đạo các cấp triển khai, quán triệt đến từng gia đình, địa bàn dân cư. Tỉ lệ Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa tăng cao qua các năm.

Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế về thực hiện tiêu chí, cụ thể: Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa có sự đồng bộ, thiếu trang thiết bị hoạt động, công năng sử dụng của các thiết chế còn hạn chế. Kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động văn hóa, thể thao còn hạn chế, không đủ để tổ chức các hoạt động.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn xã hội hóa để xây dựng các công trình nhà văn hóa còn thấp do đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên, liên tục; một số hộ nhất là ở vùng sâu, vùng xa kinh tế còn nhiều khó khăn, còn coi nhẹ việc xây dựng gia đình văn hóa, chưa tích cực tự vươn lên để thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa và Tiêu chí Văn hóa là nội dung quan trọng giúp nâng cao đời sống người dân nông thôn. Do vậy, các nhiệm vụ này cần sự vào cuộc hơn nữa của cả hệ thống chính trị, huy động được sự chung tay của toàn xã hội để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương./.

Xem thêm