Nông dân Chợ Mới thi đua phát triển kinh tế

Nhiều năm nay, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đã chủ động, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hộ có hiệu quả như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả... mang lại thu nhập cao.

Nhiều năm nay, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đã chủ động, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hộ có hiệu quả như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả... mang lại thu nhập cao.

Mô hình nuôi bò sinh sản của hội viên nông dân xã Yên Đĩnh.
Mô hình nuôi bò sinh sản của hội viên nông dân xã Yên Đĩnh.

Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Đĩnh, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi gà và bò sinh sản của hội viên Lưu Văn Thoảng, thôn Tổng Cổ. Anh Thoảng chia sẻ: Sau khi nghiên cứu thị trường, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại quy mô để nuôi gà và bò sinh sản. Theo đó, anh đã tìm hiểu và mua giống gà ri, gà lai mía ở tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc và mua giống bò lai sin tại tỉnh Tuyên Quang về nuôi. Đến nay anh đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi với quy mô 10 con bò sinh sản, 2.000 con gà. Đầu năm nay gia đình anh xuất bán 2,5 tấn gà đi các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, thu về hơn 100 triệu đồng. Anh Thoảng cho biết thêm, quy mô chuồng trại của gia đình như hiện nay có thể nuôi được 3.000 con gà. Thị trường tiêu thụ khá thuận lợi, vì vậy gia đình anh tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Còn tại xã Cao Kỳ, nhiều người biết đến ông Hà Tạ Tong, thôn Bản Phố là tấm gương trong sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương với mô hình nuôi lợn nái, lợn thịt, phát triển dịch vụ vận tải, dịch vụ nông nghiệp thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông còn thường xuyên giúp đỡ cho 7 hộ gia đình trong xã vay giống lợn với tổng số khoảng 40 con để nuôi, cho thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/năm.

Ngoài ra còn rất nhiều hội viên tiêu biểu như ông Nguyễn Ngọc Quy, tổ 5 thị trấn Chợ Mới với mô hình nuôi lợn, vịt, bồ câu lai Pháp, trồng hoa cho thu nhập cao. Ông Hoàng Văn Chung ở Bản Nhuần, xã Quảng Chu với mô hình trồng cây nhãn chín muộn trên đất ruộng. Bà Phạm Thị May, xã Thanh Mai với mô hình chế biến lâm sản và trồng rừng, không những cho thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương...

Nhằm phát huy thế mạnh về đất đai với các mô hình kinh tế phù hợp, Hội Nông dân huyện Chợ Mới đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ hội viên; phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Giai đoạn 2016-2019 Hội đã phối hợp mở được 235 lớp cho 11.234 lượt hội viên tham gia. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện thực hiện ủy thác cho nhiều hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay có 1.797 hộ vay với 66 tổ tiết kiệm vay vốn, tổng dư nợ lên đến hơn 80 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng của Quỹ hỗ trợ nông dân do Hội quản lý cũng đã triển khai cho hội viên vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay toàn huyện có hơn 700 hội viên đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp.

Ông Nguyễn Văn Thủy- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ về giống, vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hằng năm Hội còn tổ chức biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiến tiến trong phong trào làm kinh tế giỏi nhằm khuyến khích, động viên các hộ thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu.

Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đã thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, xây dựng thành công các mô hình kinh tế, tạo cơ hội cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương./.

H. Thanh

Xem thêm