Pác Nặm 20 năm đổi mới và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Pác Nặm luôn đoàn kết, chung tay khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên xây dựng huyện ngày càng đổi mới, phát triển. Diện mạo từ trung tâm huyện đến các thôn vùng cao có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân được nâng cao và ổn định.
Đồng chí Đào Duy Hưng, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm.

Đồng chí Đào Duy Hưng, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm.

Pác Nặm là huyện cuối cùng của tỉnh Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Ba Bể. Thời kỳ đầu mới thành lập huyện Pác Nặm gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng: Điện lưới quốc gia, đường giao thông, trường học, trạm y tế từ trung tâm huyện đến các vùng nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, cùng với địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao, thường xuyên phải gánh chịu hậu quả thiên tai, hạn hán... là lực cản hạn chế quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm trên 72%), trình độ dân trí chưa đồng đều dẫn đến việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế chậm.

Một góc trung tâm huyện Pác Nặm hôm nay.

Một góc trung tâm huyện Pác Nặm hôm nay.

Trước những khó khăn đó, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Bắc Kạn, hằng năm huyện Pác Nặm đã được phân bổ nguồn vốn thông qua nhiều chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn, các dự án giảm nghèo, nhờ vậy kinh tế - xã hội có bước phát triển đáng kể về nhiều mặt. Cụ thể như: Về phát triển kinh tế, năm 2003 giá trị sản xuất đạt 105 tỷ đồng thì đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất đạt trên 670 tỷ đồng, tăng hơn 560 tỷ đồng (tăng 6,3 lần so với năm 2003). Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch, đến nay thu ngân sách tăng 31,4 lần so với năm đầu thành lập huyện.

Diện tích sản xuất nông nghiệp năm 2003 đạt khoảng 3.500ha, thì hiện nay đã đạt trên 5.200ha, trong đó cây lương thực có hạt diện tích là 4.526ha (tăng 1,28 lần so với năm 2003), sản lượng lương thực đạt trên 19.000 tấn, tăng 2 lần so với năm 2003. Toàn huyện hiện có trên 6.500ha rừng trồng, tăng trên 5.800ha so với thời điểm năm 2003, tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%, tăng 23% so với giai đoạn 2003… Nhờ đó đến nay giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp của huyện đạt trên 468 tỷ đồng, tăng 375 tỷ đồng so với năm 2003.

Đến nay, các trục đường xã trên địa bàn đã 100% cứng hóa, đường thôn cứng hóa đạt trên 84%. Vừa qua, việc hoàn thành đường và cầu trên tỉnh lộ 258B, 258C đã giúp giao thông thuận lợi, góp phần tăng giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp của huyện lên 22 lần so với năm 2003. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đến nay tăng 15 lần so với năm 2003.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Ngành Y tế huyện đã dần trở thành địa chỉ tin cậy trong việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền được duy trì và phát triển. Bằng nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ, số hộ nghèo trong huyện đã giảm bình quân từ 3 - 5%/năm, thời điểm thấp nhất còn 28%. Đến năm 2021 đánh giá hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới, toàn huyện còn tỷ lệ hộ nghèo là 52,6%. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động…

Với những thành tựu đạt được, huyện Pác Nặm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: 02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 01 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; 01 Bằng khen của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 01 Bằng khen của Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; 19 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; năm 2022 huyện được khối thi đua suy tôn và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Đặc biệt, nhân dịp Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện Pác Nặm, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc huyện vinh dự, tự hào đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Việc này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc huyện Pác Nặm trong 20 năm qua.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, huyện Pác Nặm cũng nhìn nhận rõ những khó khăn, hạn chế như: Kinh tế của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế còn một số mặt chưa đạt được như mong muốn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn yếu tố phức tạp... Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế; công tác quản lý, điều hành của chính quyền trên một số mặt công tác chưa chặt chẽ, hiệu quả…

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Pác Nặm tiếp tục đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thiết thực trong thời gian tới. Trong đó trọng tâm là sáng tạo, đổi mới, bám sát thực tiễn, tuyên truyền vận động Nhân dân nỗ lực cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững trên các lĩnh vực đời sống.../.

Xem thêm