Pác Nặm: Một năm vượt khó trong sản xuất nông nghiệp

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi do thời tiết nhưng với sự chỉ đạo tích cực của các cấp, ngành chức năng và nỗ lực vượt khó của người dân nên hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Pác Nặm vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi do thời tiết nhưng với sự chỉ đạo tích cực của các cấp, ngành chức năng và nỗ lực vượt khó của người dân nên hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Pác Nặm vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.

Vụ xuân 2012, tình hình thời tiết rất khô hạn, nhiều diện tích đất sản xuất của Pác Nặm đứng trước nguy cơ bỏ hoang vì thiếu nước. Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp chống hạn để đảm bảo sản xuất. Nhờ đó, không những tránh được việc bỏ hoang đất sản xuất, huyện Pác Nặm còn thực hiện vượt mức diện tích đặt ra- đạt 103% kế hoạch, tương ứng với 773ha. Trải qua những khó khăn, vất vả đầu vụ, người dân vùng cao Pác Nặm đã được hưởng niềm vui được mùa, với năng suất lúa đạt gần 50tạ/ha.

Không chỉ gây ảnh hưởng cho vụ xuân, hạn hán còn kéo dài ảnh hưởng sang đến vụ mùa. Mặc dù đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp chống hạn nhưng vẫn có đến hàng chục héc ta ruộng phải chuyển đổi cây trồng vì không có nước sản xuất. Vượt qua vấn đề thời tiết, hơn 1.300ha lúa mùa của Pác Nặm lại bị sâu đục thân, châu chấu và đặc biệt là nạn chuột gây hại vào giai đoạn cuối. Hơn 300ha lúa mùa sớm tại các thôn vùng cao bị giảm từ 30 – 50% năng suất, thậm chí không ít hộ gần như bị mất trắng do nạn chuột phá hại. Vì thế, năng suất lúa mùa trung bình của huyện năm 2012 chỉ đạt xấp xỉ 40 tạ/ha, sản lượng hơn 5.000 tấn.

d
Việc sử dụng chủ yếu các giống lúa thuần trong vụ mùa đã giúp người dân Pác Nặm giảm thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh.

Theo nhận định của phòng chuyên môn, việc sử dụng đến 80% các giống lúa thuần trong vụ mùa đã giúp Pác Nặm hạn chế rất nhiều ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết và các đối tượng địch hại gây ra.

Đối với huyện vùng cao như Pác Nặm, cây ngô đồi chiếm vị thế quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế của địa phương. Tổng diện tích trồng ngô của huyện năm 2012 hơn 2.600ha, với sản lượng khoảng 8.000 tấn. Việc đưa các giống ngô lai đã giúp năng suất ngô của Pác Nặm được nâng cao đạt từ 32- 35 tạ/ha. Tuy nhiên nếu so với năng suất tiềm năng của giống thì con số trên còn rất thấp, vì thế giá trị kinh tế từ cây ngô chưa cao. Giải quyết vấn đề trên năm 2013, huyện Pác Nặm vẫn tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Đồng thời sẽ thống nhất với các địa phương rút gọn bộ giống ngô từ con số 34 như hiện nay xuống 7 bộ giống chủ đạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và giảm tránh những rủi ro cho người dân.

Điểm sáng trong công tác sản xuất nông nghiệp của huyện Pác Nặm chính là hiệu quả kinh tế cây dong riềng đã được khẳng định. Với chính sách hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật cho các hộ dân với định mức diện tích là 500m2/hộ, đã giúp cho cây dong riềng trên đất Pác Nặm phát triển nhanh về diện tích. Từ 1ha trồng thử nghiệm năm 2011, sang năm 2012 con số này đã tăng lên 109ha (6ha do người dân tự phát triển). Là cây trồng được đánh giá có triển vọng kinh tế cao nên lãnh đạo huyện đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện. Mặc dù bị ảnh hưởng của bệnh thối thân và cháy lá nhưng theo nhận định vụ dong riềng 2012 vẫn thành công về năng suất, giá trị kinh tế và mang lại niềm tin cho người dân. Với năng suất trung bình đạt 76 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 7.000 tấn, người dân Pác Nặm có nguồn thu khoảng 10 tỷ đồng từ cây dong riềng. Kế hoạch năm 2013, toàn huyện sẽ trồng 175ha, nhưng con số đăng ký hiện tại của các địa phương đã lên đến 300ha. Điều này cho thấy cây dong riềng đang dần khẳng định được vị thế trong nhận thức của người dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông, lâm nghiệp của Pác Nặm cũng còn một số chỉ tiêu, kế hoạch không thể hoàn thành. Trong đó, có công tác trồng rừng năm 2012 của huyện không đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh nguyên nhân do nhận thức của người dân còn hạn chế thì chính sự thiếu sát sao, quyết liệt của cơ quan chức năng cũng khiến kế hoạch trồng rừng của huyện không thể về đích.

Đánh giá về kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp của Pác Nặm năm 2012, đồng chí Quách Xuân Khoanh- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Pác Nặm cho biết: Năm 2012 là năm sản xuất nông, lâm nghiệp của Pác Nặm phải trải qua nhiều khó khăn về thời tiết và sâu bệnh gây hại. Tuy những kết quả thu được không nổi bật nhưng vẫn cơ bản hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. Sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực của người dân đã giúp sản xuất nông nghiệp của huyện vượt qua nhiều khó khăn do yếu tố khách quan mang lại. Để đảm bảo thắng lợi cho vụ sản xuất năm 2013, ngay bây giờ Pác Nặm đã lên kế hoạch và chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các biện pháp đã đặt ra./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm