Nhờ phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia đình anh Tạ Văn U, ở thôn Khâu Slôm, xã Giáo Hiệu có thu nhập khá. |
Trước kia, gia đình anh Tạ Văn U, dân tộc Dao ở thôn Khâu Slôm, xã Giáo Hiệu phụ thuộc vào việc trồng ngô, sắn trên nương, chăn nuôi trâu, bò nhỏ lẻ chỉ để lấy sức kéo, gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhờ được tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức, gia đình anh U mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi.
Anh U chia sẻ: "Gia đình tôi thực hiện chăn nuôi dê sinh sản hơn 20 con, nuôi 07 con bò sinh sản theo hướng bán chăn thả và trồng hơn 80 gốc mận sớm đã cho thu hoạch nhiều năm. Tổng thu một năm từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả, sau khi trừ chi phí, thu nhập gia đình ước đạt từ 70 - 80 triệu đồng".
Riêng năm 2022, huyện đã phân bổ kinh phí từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 01 dự án chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Bộc Bố với kinh phí 207 triệu đồng; 05 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại các xã Bằng Thành, Công Bằng, Nhạn Môn, An Thắng, Nghiên Loan với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai 02 dự án chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Công Bằng và Cao Tân với kinh phí 416 triệu đồng; 02 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại các xã Bằng Thành, Nghiên Loan với kinh phí 640 triệu đồng...
Việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn được người dân quan tâm, chú trọng và chăn nuôi có xu hướng tăng dần theo hướng liên kết thành lập các tổ hợp tác như: Chăn nuôi lợn đen bản địa, nuôi dê thương phẩm, vỗ béo trâu, bò... Qua đó góp phần nâng tổng đàn đại gia súc toàn huyện lên hơn 19.000 con.
Mặc dù có nhiều lợi thế, song lĩnh vực chăn nuôi ở Pác Nặm chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, chăn nuôi gia súc còn gặp nhiều khó khăn như sự biến động về giá cả làm ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi còn chậm và chưa đồng bộ, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, gây khó khăn trong việc kiểm soát, phòng bệnh cho đàn gia súc.
Ông Hoàng Văn Ngôn, Trường phòng NN&PTNT huyện Pác Nặm cho biết: Để phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, thời gian tới, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn; xây dựng chuồng chăn nuôi kiên cố; triển khai tiêm phòng, phun khử trùng, tiêu độc theo kế hoạch được giao.
Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án và các nguồn vốn vay để hỗ trợ người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Phấn đấu trong năm 2023, tổng đàn đại gia súc trâu, bò, ngựa tăng lên 20.500 con./.