Pác Nặm với công tác giảm nghèo bền vững

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, đời sống người dân huyện Pác Nặm từng bước được cải thiện.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo huyện Pác Nặm được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo huyện Pác Nặm được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.

Năm 2022, huyện đã phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để thực hiện các chương trình, dự án. Cụ thể, phân bổ hơn 70,7 tỷ đồng thực hiện đầu tư 11 công trình, 1 dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm tại 10/10 xã; phân bổ hơn 6,3 tỷ đồng để sửa chữa các công trình giao thông, thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi, giáo dục nghề nghiệp, việc làm; phân bổ cho các xã hơn 2,5 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn với tổng số 50 nhà, hiện đã xây dựng xong 14 nhà, 36 nhà đang hoàn thiện; 2 tỷ đồng nguồn kinh phí của Ngân hàng Vietinbank hỗ trợ xây nhà cho 40 hộ nghèo.

Huyện chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Trong năm, địa phương đã giới thiệu được 26 công ty, doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc trong nước và có thời hạn ở nước ngoài; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 1.032 lượt người, giải quyết việc làm cho hơn 1.800 lao động, đạt 182,6% kế hoạch; tạo việc làm mới cho 585 lao động, đạt 146% kế hoạch. Ngoài ra, các địa phương cũng tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Các chính sách hỗ trợ đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo tại Pác Nặm còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế: Thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn còn cao, tập trung ở các thôn bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; các hộ nghèo trên địa bàn huyện thiếu hụt những tiêu chí xã hội cơ bản như thu nhập, việc làm, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, người phụ thuộc trong hộ gia đình... Là huyện vùng cao với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, địa hình đồi núi phức tạp và không thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đầu năm do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bùng phát cùng với các dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thiên tai xảy ra đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân.

Ông Ma Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: Để công tác xóa đói, giảm nghèo được bền vững, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát cụ thể, điều tra chính xác tỷ lệ hộ nghèo để phân loại, từ đó có biện pháp giúp đỡ từng hộ. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, lồng ghép để xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Chú trọng giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, triển khai đầy đủ, đồng bộ các chính sách giảm nghèo. Huyện rất mong có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là nguồn lực phục vụ cho chính sách giảm nghèo bền vững cần được bố trí hợp lý và phân bổ kịp thời./.

Thanh Hảo

Xem thêm