Phát triển cây mơ vàng cần gắn với nhu cầu tiêu thụ

Hiện nay cây mơ vàng Bắc Kạn đã chính thức có nhà máy chế biến để xuất khẩu. Tuy nhiên người dân đang trồng tự phát với diện tích khá lớn, nằm ngoài cam kết tiêu thụ của doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng cung cầu.

Hiện nay cây mơ vàng Bắc Kạn đã chính thức có nhà máy chế biến để xuất khẩu. Tuy nhiên người dân đang trồng tự phát với diện tích khá lớn, nằm ngoài cam kết tiêu thụ của doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng cung cầu.

Lãnh đạo xã Bành Trạch huyện Ba Bể đến thăm mô hình trồng mơ liên kết cảu thành viên HTX Cao Kỳ Chợ Mới
Lãnh đạo xã Bành Trạch, huyện Ba Bể thăm mô hình trồng mơ liên kết của thành viên HTX Cao Kỳ, huyện Chợ Mới.


Ông Hoàng Văn Thường- thành viên HTX Cao Kỳ chia sẻ: HTX hiện có diện tích trồng mơ khá lớn. Cây mơ Cao Kỳ có chất lượng, mẫu mã đẹp, cây mơ càng già chất lượng quả càng ngon. Nhiều hộ trong xã có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Từ khi có nhà máy của Công ty TNHH Việt Nam MISAKI (khu công nghiệp Thanh Bình) thu mua, giá mơ đã tăng so với các mùa mơ trước. Người dân đã quay lại chăm sóc cây mơ vàng, loại cây vài năm trước đây từng có lúc bị bỏ bẵng vì hiệu quả kinh tế không ổn định. Hai vụ mơ vừa qua, người dân đã thấy rõ giá trị kinh tế của cây mơ.

HTX Cao Kỳ đã ký cam kết bao tiêu mơ với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI, có khung giá tối thiểu để đảm bảo vùng mơ nguyên liệu và ổn định đầu ra cho người dân. Tuy nhiên hiện nay không chỉ Cao Kỳ mà nhiều người dân trong tỉnh đã đến HTX mua cây giống về trồng. Nếu diện tích tăng tự phát mà không được nhà máy cam kết thu mua thì rủi do cho người trồng là rất lớn. Hiện nay do áp dụng khoa học kỹ thuật nên nếu được trồng và chăm sóc tốt, cây mơ chỉ năm thứ 3 là bói quả, năm thứ 5 trở đi có thể cho thu hoạch vài chục ki-lô-gam quả mỗi cây. Quan trọng nhất là khi cây cho thu hoạch, ai sẽ mua. 5 năm đầu tư chăm sóc là rất dài, nếu không tiêu thụ được sản phẩm thì coi như thất bại.

Từ năm 2018, cây mơ ở Cao Kỳ đã có bước phát triển đột phá khi chính quyền địa phương ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ quả mơ với Công ty TNHH Việt Nam MISAKY, giá cam kết không dưới 8.000 đồng/kg trong thời hạn 5 năm liên tục. Quả mơ từ chỗ phụ thuộc tư thương nay đã có đầu ra ổn định. Bà Hà Thị Tươi ở thôn Hua Phai có hơn 5ha mơ, trong đó, hơn 2ha đã cho thu hoạch. Năm 2019, gia đình bà thu hoạch được 17 tấn quả, bán với giá bình quân 13.000 đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng. Năm 2020, dù giá có thấp hơn chút ít nhưng nhờ năng suất cao nên dự kiến thu nhập của gia đình không giảm là bao. Ở Hua Phai có 67 hộ dân, thì có khoảng 60% hộ phát triển kinh tế hiệu quả từ trồng mơ.

Cách làm mới
Cách làm mới của thành viên HTX Cao Kỳ, người dân góp đất, nhà đầu tư góp giống để ký hợp tác 30 năm, mơ đến tuổi thu hoạch mỗi vụ sẽ chia đôi sản lượng.


Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam MISAKY Hoàng Thị Lập cho biết: Năm 2019, Công ty đã thu mua hơn 500 tấn mơ quả với giá bình quân 14.000 đồng/kg. Với công suất chế biến mơ quả 2.000 tấn/năm để xuất khẩu sang Nhật Bản thì vùng nguyên liệu trên địa bàn Bắc Kạn vẫn chưa đáp ứng đủ. Hiện tại, Công ty vẫn phải thu mua thêm nguyên liệu từ Mộc Châu, Sơn La. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tiêu thụ của Công ty tại thị trường Nhật Bản giảm sút. Tuy nhiên, Công ty vẫn bảo đảm thu mua đầy đủ mơ quả cho người dân với giá hơn 10.000 đồng/kg. Hiện mơ của bà con Bắc Kạn vẫn chưa đủ cung cấp cho nhà máy.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương chia sẻ: Cây mơ vàng hiện đã có chỗ đứng trên thị trường. Trong tỉnh đã có nhà máy MISAKY của Nhật Bản; ngoài tỉnh có Công ty Cổ phần thực phẩm Đồng Giao Ninh Bình cũng rất quan tâm đến sản phẩm quả mơ Bắc Kạn. Chính vì vậy, cây mơ đang được một số địa phương quan tâm và có kế hoạch phát triển trở lại. Qua rà soát cho thấy, cây mơ tập trung chủ yếu tại các huyện như: Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn và thành phố Bắc Kạn. Tổng diện tích mơ của toàn tỉnh hiện là 561ha, trong đó diện tích trồng mới là 105ha; diện tích thâm canh cải tạo là 56ha, sản lượng ước đạt trên 2.000 tấn. Quả mơ dần lấy lại vị thế là loại quả đặc sản của Bắc Kạn. Việc thực hiện cam kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua sản phẩm còn bất cập, vì nhiều hộ sản xuất tự phát chứ chưa theo hướng liên kết, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chưa nâng cao được chất lượng và giá trị quả mơ. Do vậy hướng đi phù hợp hiện là ưu tiên trồng mới và cải tạo, thâm canh mơ tại các xã liền kề có diện tích từ 10ha/xã trở lên); hình thành liên kết nhóm, tổ hợp tác, HTX.

Cùng với đó, chính quyền cần quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống, lựa chọn và công nhận cây đầu dòng để phục vụ công tác sản xuất giống cây đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất như cải tạo, chăm sóc cây mơ theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm sản phẩm quả mơ Bắc Kạn đạt tiêu chuẩn về ATVSTP theo quy định./.

Trần Tuyến

Xem thêm