Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng)

Phát triển đảng viên ở vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số Bắc Kạn: Kỳ 2- “Ở ĐÂU CÓ DÂN, Ở ĐÓ PHẢI CÓ ĐẢNG VIÊN”

0:00 / 0:00
0:00
BBK -

Thực hiện mục tiêu phấn đấu mỗi năm trung bình kết nạp 1.000 đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn kết nạp mới 2.058 đảng viên (trung bình đạt 99%/năm, nâng tổng số đảng viên lên trên 36.800 đồng chí), trong số đó nhiều đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vùng cao.

Tạo nguồn tại chỗ

Tạo nguồn luôn là khâu khó khăn nhất trong công tác phát triển Đảng ở thôn, bản bởi phong tục, tập quán và trình độ người dân còn hạn chế. Từ lâu, Bắc Kạn có chủ trương tạo điều kiện cho thanh niên ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa được thực hiện nghĩa vụ quân sự để được đào tạo trong môi trường quân đội. Hết nghĩa vụ, những người đó được đào tạo thêm một khóa học ngắn về chuyên môn, nghiệp vụ nào đó, rồi trở về thôn, bản và trở thành một nguồn phát triển Đảng rất quan trọng của địa phương. Tuy nhiên, số lượng theo nguồn này luôn như “hạt muối bỏ biển” so với nhu cầu thực tế. Vì thế, việc phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng phát triển Đảng tại chỗ luôn được đặt lên hàng đầu. Vấn đề là phải làm thế nào để vừa bảo đảm tiêu chuẩn theo Điều lệ Đảng đề ra, vừa phù hợp điều kiện cụ thể của từng thôn, bản?

Anh Chú Seo Cáng, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Đẩy, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn đồng thời là người có uy tín gương mẫu đi đầu trong các phong trào, tích cực vận động quần chúng Nhân dân tin theo Đảng, Nhà nước.

Anh Chú Seo Cáng, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Đẩy, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn đồng thời là người có uy tín gương mẫu đi đầu trong các phong trào, tích cực vận động quần chúng Nhân dân tin theo Đảng, Nhà nước.

Một số huyện vùng cao của Bắc Kạn đã có cách làm như: Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi (Chương trình 134, 135...) hoặc qua triển khai các mô hình phát triển sản xuất như mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xen canh, tăng năng suất; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất..., các chi bộ phát hiện những người có khả năng nhận thức tốt, làm ăn giỏi để đưa vào “tầm ngắm”. Sau đó, rà soát theo tiêu chuẩn đã quy định và tiếp tục tìm cách bồi dưỡng. Nếu trình độ học vấn thấp thì gửi học các lớp xóa mù chữ theo Chương trình xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao hoặc chọn cử đi học các lớp đào tạo nghề kết hợp học văn hóa. Nếu vướng các vấn đề khác như đẻ quá hai con, có đạo... thì tùy từng trường hợp cụ thể, trình xin ý kiến cấp trên. Với cách làm này, vấn đề “bí đầu vào” từng bước được giải quyết.

Từ những năm 1990, một số gia đình người dân tộc Mông di cư từ Hà Giang đến những triền núi xa nhất của xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn) sinh sống, thành lập nên thôn Khuổi Đẩy. Năm 2004, thôn đã phát triển được 02 đảng viên nhưng phải sinh hoạt ghép ở chi bộ thôn Nà Phầy. Đến năm 2014 chi bộ Khuổi Đẩy chính thức được tách thành chi bộ độc lập khi kết nạp thêm được đảng viên mới. Trưởng thôn Chú Seo Cáng được bầu làm Bí thư chi bộ thôn từ đó cho đến nay. Anh Cáng là người mẫu mực, năng nổ, nhiệt tình, biết tính toán làm ăn, gần gũi bà con dân bản. Mặc dù lúc đó anh Cáng chưa học xong cấp 1, giải pháp mà huyện đưa ra đó là đưa đi học lớp “xoá mù” do huyện tổ chức. Quá trình theo dõi phấn đấu, anh Cáng đã được tổ chức xem xét kết nạp Đảng. Đó là một lựa chọn đúng đắn của Đảng bởi từ việc ươm mầm, gieo trồng “hạt giống đỏ” đầu tiên, giờ đây Chi bộ thôn Khuổi Đẩy đã phát triển được 08 đảng viên.

Với vai trò là bí thư chi bộ đồng thời là người có uy tín, anh Cáng luôn tiên phong trong mọi phong trào. Huy động sức dân hiến đất, góp công lao động mở hơn 400m đường vào thôn và hoàn thiện con đường bê tông hơn 6km do Nhà nước đầu tư chỉ trong vòng 3 tháng. Con đường bê tông xuyên suốt khắp các chòm thôn mở ra tương lai tươi sáng đối với cuộc sống bà con ở đây. Người dân biết ơn Đảng, Nhà nước, tự hào về tinh thần, sức mạnh đoàn kết cộng đồng để có được thành quả này.

Nhận thấy cây trà hoa vàng có giá trị kinh tế cao, anh Cáng lên mạng internet tìm hiểu, lên rừng tìm cây về tự nhân giống bằng phương pháp ghép mắt được 1.000 cây. Anh chia sẻ để bà con trong thôn cùng trồng dưới tán rừng. Khoảng 3 năm nữa, những cây chè quý này sẽ cho thu hoạch. Nơi đây bà con thu nhập chính từ trồng rừng. Hiện nay cả thôn có khoảng 300ha rừng. Việc vận động bà con hiến đất làm đường đã góp phần thuận lợi cho việc khai thác vận chuyển gỗ, nâng cao giá trị thu nhập.

Bản Khuổi Đẩy có 79 hộ thì có 69 hộ theo đạo Tin lành. Mặc dù là người không theo tôn giáo nhưng anh Cáng vẫn hoà mình cùng các buổi sinh hoạt đạo của bà con để thăm nắm tình hình, hiểu bà con dân bản mình hơn. Những năm trước đây anh còn được Công an tỉnh Bắc Kạn mời đến các điểm “nóng” về hoạt động tôn giáo bất hợp pháp ở xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn), xã Thuần Mang (Ngân Sơn) để tuyên truyền vận động bà con từ bỏ, không tin theo những đạo bất hợp pháp này.

Bà Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Chợ Đồn cho biết: “Việc phát triển, tạo nguồn đảng viên là người tiêu biểu, có uy tín, tiếng nói trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo là giải pháp mà Huyện uỷ Chợ Đồn đặc biệt chú trọng trong thời gian qua. Nhiều bí thư chi bộ phát huy tốt vai trò lãnh đạo, tích cực tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân tham gia các phong trào địa phương, tập trung phát triển kinh tế, vì thế tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở những vùng này ổn định. Việc nuôi nguồn, tạo nguồn kế cận từ chính trong vùng đồng bào vẫn tiếp tục được thực hiện trở thành chiến lược lâu dài của huyện”.

Gỡ khó từ thực tiễn

Đầu năm 2023 anh Ma Văn Dinh dân tộc Mông, sinh năm 1994, Bí thư Chi đoàn thôn Khau Slôm, xã Giáo Hiệu (huyện Pác Nặm) - quần chúng ưu tú đã được Chi bộ thôn Khau Slôm giới thiệu cho Đảng uỷ xã Giáo Hiệu xem xét bồi dưỡng kết nạp Đảng. Trải qua thời gian theo dõi, đào tạo bồi dưỡng, học lớp cảm tình Đảng, anh Dinh đã được chi bộ hướng dẫn khai hồ sơ lý lịch xin vào Đảng.

Bí thư Đảng uỷ xã Giáo Hiệu huyện Pác Nặm Trương Thị Hải (người bên trái ảnh) trực tiếp hướng dẫn quần chúng ưu tú khai hồ sơ lý lịch xin vào Đảng

Bí thư Đảng uỷ xã Giáo Hiệu huyện Pác Nặm Trương Thị Hải (người bên trái ảnh) trực tiếp hướng dẫn quần chúng ưu tú khai hồ sơ lý lịch xin vào Đảng

Anh Dinh chia sẻ: Mặc dù đã học hết cấp 2 nhưng đã lâu không viết lách gì, giờ phải viết hàng chục trang giấy thế này mà phải tuyệt đối chính xác tôi cảm thấy khó quá, áp lực là khi sai phải viết đi viết lại nhiều lần. Thú thật phấn đấu vào Đảng tôi không ngại nhưng đến bước khai vào hồ sơ nhiều lúc khiến tôi thực sự nản.

Cũng giống như trường hợp anh Ma Văn Dinh, chị Đặng Thị Sinh (sinh năm 1992), dân tộc Sán Chỉ ở thôn Nà Thiêm, được chồng là anh Hoàng Văn Việt, đảng viên mới được kết nạp năm 2021 tuyên truyền, vận động, chị đã giác ngộ, mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng như chồng. Trải qua quá trình theo dõi sự phấn đấu của quần chúng Đặng Thị Sinh, Chi bộ thôn Nà Thiêm đã giới thiệu cho Đảng uỷ xã Giáo Hiệu xem xét cử đi học lớp cảm tình Đảng. Bí thư chi bộ thôn được Đảng uỷ xã giao nhiệm vụ hướng dẫn khai, viết lý lịch xin vào Đảng cho quần chúng Sinh. Tuy nhiên đến khi bắt tay vào khai chị Sinh đã phải chép đi chép lại 5-6 lần dẫn đến tâm lý chán nản, đã có lúc muốn bỏ cuộc.

Nắm bắt được thông tin đó, Đảng uỷ xã Giáo Hiệu đã chỉ đạo giải quyết tháo gỡ ngay. Bí thư xã Giáo Hiệu Trương Thị Hải cho biết: “Giải quyết khó khăn ở khâu này, Đảng uỷ xã đã mời quần chúng lên, hướng dẫn trực tiếp khai thông tin lý lịch để đánh vào máy vi tính, sau đó in ra cho quần chúng kiểm tra đọc lại, nếu ổn mới cho chép vào quyển hồ sơ chính thức. Giải pháp này đã rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ. Bởi trên thực tế có những đảng viên tiến hành khai lý lịch cả mấy tháng không xong, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như mục tiêu phát triển đảng viên của chi bộ”.

Ông Quách Xuân Khoanh, Trưởng Ban Tổ chức huyện uỷ Pác Nặm cho biết: “Giải pháp hỗ trợ đảng viên ở các thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ lý lịch xin vào Đảng là chủ trương được Huyện uỷ Pác Nặm chỉ đạo Đảng uỷ các xã triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ 2010 - 2015 và tiếp tục duy trì cho tới nay. Với phương châm chủ động, tích cực, không ngồi chờ người có đủ điều kiện rồi kết nạp, mà phải tạo môi trường hoạt động, giúp đỡ, đánh giá quá trình tu dưỡng, rèn luyện, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình khai thông tin lí lịch…Nhờ cách làm đó mà nhiều nơi công tác phát triển đảng viên vùng khó khăn diễn ra thuận lợi hơn”.

Mặc dù đã xoá thôn “trắng” đảng viên, nhưng Đảng bộ huyện Pác Nặm hiện còn 9 chi bộ sinh hoạt ghép (trong đó có 08 chi bộ sinh hoạt ghép 02 thôn; 01 chi bộ sinh hoạt ghép 03 thôn). Đây là những địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn, việc sớm phát triển đủ số lượng đảng viên tiến tới tách chi bộ sinh hoạt ghép thành chi bộ độc lập là mục tiêu mà huyện đã và đang tích cực triển khai trong nhiệm kỳ này.

Pác Nặm là huyện vùng cao khó khăn bậc nhất của tỉnh Bắc Kạn, được thành lập vào năm 2003. Đến nay huyện Pác Nặm đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp của huyện đạt trên 468 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2003, an ninh lương thực được đảm bảo; giá trị sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đạt trên 17 tỷ đồng, tăng 22 lần; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt trên 180 tỷ đồng, tăng 15 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng, tăng 8,8 lần; thu ngân sách đạt trên 10,7 tỷ đồng, tăng 31,7 lần so với năm 2003. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 20% so với năm 2003; toàn huyện hiện có 2.779 đảng viên, chiếm hơn 9% dân số; 100% thôn bản có đảng viên sinh hoạt (tăng gần 03 lần so với năm 2003).

Đảng viên đưa Nghị quyết chuyên đề vào cuộc sống

“Đảng viên phải là người phải làm gương đi đầu ở mọi mặt, dù có nói hay đến đâu nhưng cuộc sống của đảng viên nghèo thì khi tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng làm sao dân tin? Đảng viên trong chi bộ phải bàn bạc nghĩ cách làm hiệu quả, lan toả tinh thần xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trong cộng đồng, từ đó mới thu hút được quần chúng vào Đảng, rõ ràng một thực tế là có Đảng và Nhà nước thì cuộc sống mới ấm no”. Đó là suy nghĩ của anh Hoàng Xuân Đặng, đảng viên Chi bộ thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu (Pác Nặm).

Là một trong những đảng viên đầu tiên của thôn sau khi đi nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, làm Bí thư đoàn xã. Năm 2022, anh Đặng đã xin nghỉ sau 20 năm hoàn thành xuất sắc vai trò Bí thư chi bộ thôn. Chi bộ thôn có 22 đảng viên/57 hộ dân, 248 nhân khẩu, là một trong những thôn có số lượng đảng viên đông so với các thôn bản vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của huyện Pác Nặm cũng như tỉnh Bắc Kạn.

Anh Đặng cho biết: Năm 2020 chi bộ bắt đầu bắt tay xây dựng Nghị quyết chuyên đề theo sự chỉ đạo hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên. Các đảng viên trong thôn bàn bạc thống nhất chuyển đổi cơ cấu từ chăn nuôi lợn sang nuôi dê nhốt. Năm 2022, mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng được triển khai. Huyện Pác Nặm đã hỗ trợ 360 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp phát triển kinh tế mua 88 con dê giống cùng vắc xin, thức ăn cho dê lứa đầu cấp cho 10 hộ chăn nuôi của thôn, trong đó có 9 hộ là đảng viên và 01 hộ là người dân. Đến nay đàn dê của thôn phát triển tốt, sinh sản nâng tổng đàn lên 130 con. Thôn Nà Muồng hiện chỉ còn 02 hộ nghèo chiếm 3,5% và 08 hộ cận nghèo chiếm 14%. Một tỷ lệ khá thấp so với mức trung bình hộ nghèo toàn tỉnh là trên 24% và mức trung bình của huyện Pác Nặm là 56,6%.

Từ Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi dê, các đảng viên của Chi bộ thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu (Pác Nặm) đã cùng nhau quyết tâm thực hiện có hiệu quả để bà con Nhân dân làm theo

Từ Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi dê, các đảng viên của Chi bộ thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu (Pác Nặm) đã cùng nhau quyết tâm thực hiện có hiệu quả để bà con Nhân dân làm theo

Ở các thôn bản vùng cao, người dân đa số nhìn đảng viên làm, thấy hiệu quả rồi mới làm theo. Việc triển khai xây dựng nghị quyết chuyên đề từ chi bộ thông qua bàn bạc sẽ sát thực hơn, theo phương pháp tôn trọng ý kiến thống nhất từ dưới lên thay vì từ trên xuống. Đảng viên bàn, đảng viên quyết định. Đây là cách làm thể hiện hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tập thể chi bộ thôn trong triển khai thực hiện các Nghị quyết chuyên đề ở Pác Nặm, một huyện còn nhiều khó khăn của Bắc Kạn, cũng như cả nước.

Giữa một bản heo hút nơi lưng chừng núi, có được một đảng viên là có một điểm tựa, là một đầu mối quan trọng để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến được với dân. Nó giống như khi chúng ta bắt đầu nhóm lửa vậy, điều quan trọng nhất là phải có một hòn than đỏ, khéo thổi sẽ có một bếp lửa to. Sẽ không bao giờ có một bếp lửa nếu không có một hòn than đỏ. Những hòn than đỏ ngày càng được nhóm lên ở khắp các bản làng vùng cao, ấm rực nơi non cao quanh năm sương rơi giá lạnh.

Nghị quyết 21 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm khoá XIII nhấn mạnh: “Quan tâm phát triển đảng viên người có tôn giáo, ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số nhằm tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp trước mắt và lâu dài”, theo đó Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Chương trình số 17-CTr/TU ngày 30/8/2022 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 21. Chương trình nhấn mạnh một trong những mục tiêu đó là nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Với những giải pháp trong việc củng cố, phát triển tổ chức đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay số lượng kết nạp đảng viên mới là người dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn tăng khá nhanh, hiện chiếm trên 82% trên tổng số đảng viên.

(Còn nữa)

Xem thêm