Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) là đơn vị quản lý, vận hành hệ thống Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh. |
Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục được quan tâm đầu tư nhằm phục vụ tốt quá trình chuyển đổi số và công tác quản lý nhà nước. 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có mạng LAN, kết nối internet thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đáp ứng vận hành các phần mềm dùng chung như: Quản lý văn bản và điều hành, một cửa điện tử, cổng dịch vụ công, thư điện tử công vụ... Hệ thống đảm bảo liên thông gửi - nhận văn bản 4 cấp qua trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư và triển khai đến 108 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống đã phục vụ 21 cuộc họp trực tuyến.
Mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt 3 cấp, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 6.233km cáp quang, 672 trạm BTS, 07 cột ăng ten sử dụng chung cơ sở hạ tầng, 01 trạm điều khiển thông tin di động BTS.
Dữ liệu số là nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số năm 2023. Trong năm nay, tỉnh Bắc Kạn tập trung đầu tư phát triển hạ tầng dùng chung (hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng, phần mềm dùng chung, an toàn thông tin) đảm bảo đồng bộ, kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu.
Tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng các nền tảng, hệ thống phục vụ ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành, báo cáo, thống kê, đo lường, giám sát, họp trực tuyến, làm việc từ xa như: Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Bắc Kạn; Trung tâm giám sát và điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ các cuộc họp trực tuyến của các cơ quan nhà nước trong tỉnh…
Toàn tỉnh đã xây dựng và đang khai thác sử dụng 12 CSDL về giá, tài liệu, CBCCVCNLĐ, đất đai, giáo dục, giấy phép lái xe, tài nguyên môi trường, hồ sơ sức khỏe điện tử, công chứng, quy hoạch, xây dựng...; đồng thời đang triển khai xây dựng thêm 8 CSDL về kinh tế - xã hội, dân tộc, tiền lương, bệnh án điện tử, công thương, địa chất khoáng sản, giáo dục đào tạo nghề, hồ sơ giải quyết TTHC.
Các hoạt động số, phần mềm phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Nhiều tiện ích đã và đang được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống như: Thẻ CCCD gắn chip điện tử xác định danh tính công dân; thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; phổ cập hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử... Phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân được duy trì ứng dụng tại 119 đơn vị quản lý, bệnh viện, trạm y tế xã; 100% hồ sơ sức khoẻ của người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo trên hệ thống.
Hướng tới mục tiêu đạt hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng phổ cập mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình; phổ cập điện thoại thông minh đến người dân; khắc phục tình trạng lõm sóng 3G; nghiên cứu triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, triển khai các nền tảng số dùng chung và bắt đầu có ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng, triển khai các dữ liệu trong danh mục dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung của tỉnh; tổ chức việc cung cấp lần đầu dữ liệu mở, hướng dẫn việc khai thác sử dụng dữ liệu mở trong người dân, doanh nghiệp.../.