Phát triển rừng gỗ lớn – cần thay đổi nhận thức của người dân

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Nhận thấy lợi ích kinh tế từ trồng cây gỗ lớn, huyện Na Rì đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân theo hướng đi này.
Cây gỗ lát có tuổi đời 20 năm của gia đình ông Đinh Văn Nhương, xã Sơn Thành có trị giá hơn 10 triệu đồng.

Cây gỗ lát có tuổi đời 20 năm của gia đình ông Đinh Văn Nhương, xã Sơn Thành có trị giá hơn 10 triệu đồng.

20 năm trước, được người quen cho cây lát mang về trồng trên đồi sau nhà, ông Đinh Văn Nhưỡng, thôn Hát Lài, xã Sơn Thành không ngờ sau này có người trả hơn 10 triệu đồng. Nhận thấy giá trị của cây gỗ lớn, năm 2019, gia đình ông Nhưỡng quyết định chuyển gần 1ha nương ngô sang trồng cây lát. Biết chu kỳ cho khai thác của cây lát lên đến vài chục năm, nên ông Nhưỡng tự giải bài toán “lấy ngắn nuôi dài” bằng phát triển chăn nuôi và dành diện tích vườn đồi sau nhà trồng cây ăn quả. Rừng lát ông Nhưỡng coi như "của để dành" cho con cháu và vợ chồng ông dưỡng già.

Ông Đinh Văn Nhưỡng chia sẻ về lợi ích trồng cây gỗ lớn.

Ông Nhưỡng tính toán: Nếu chăm sóc tốt thì khoảng ngoài 20 năm cây lát sẽ cho khai thác, giá trị của 4 – 5 cây lát bằng cả héc-ta rừng keo, tính ra 1ha lát cho thu nhập cả tỷ đồng”.

Giá trị kinh tế của trồng cây gỗ lớn là như vậy, nhưng không phải ai cũng nhận thức được như gia đình ông Nhưỡng, hoặc có nhận ra nhưng không thể thực hiện vì nhiều lý do.

“Dự tính gần 1ha rừng mỡ 3 năm nữa, khi được 10 năm tuổi mới khai thác, nhưng vừa rồi có việc gấp gia đình vẫn phải bán, tiếc lắm chẳng biết làm sao được”, chị Hoàng Thị Thoa, người dân xã Trần Phú cho biết.

Năm 2022, huyện Na Rì khai thác trên 45.000m3 gỗ, chủ yếu là mỡ, keo... Tuy nhiên hầu như đều khai thác gỗ dưới 10 năm tuổi. Nguyên nhân một phần là do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, trong khi rừng là nguồn thu nhập chính nên khi đến tuổi khai thác, bà con sẽ bán trắng cho người thu mua, ít có hộ dân thực hiện tỉa thưa và phát triển rừng gỗ lớn.

Đồng chí Đàm Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Sơn cho biết: Hiện nay phần lớn các hộ dân trong xã đều khai thác, bán gỗ rừng trồng dưới 10 năm tuổi với giá trị không cao. Xã đã tuyên truyền về chủ trương phát triển cây gỗ lớn nhưng không mấy hộ dân thực hiện, phần vì tập quán canh tác, phần vì điều kiện kinh tế khó khăn không muốn kéo dài thời gian chăm sóc rừng.

Huyện Na Rì có trên 13.000ha rừng trồng, trung bình mỗi năm trồng khoảng 600ha, tỷ lệ che phủ rừng trên 79%. Điều này cho thấy tiềm năng, lợi thế và những nỗ lực trong phát triển kinh tế rừng của huyện Na Rì. Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng trồng vẫn là rừng gỗ nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, chưa bảo đảm được thu nhập cho người dân.

Sản lượng gỗ khai thác ở Na Rì chủ yếu bán cho các cơ sở chế biến ván bóc.

Sản lượng gỗ khai thác ở Na Rì chủ yếu bán cho các cơ sở chế biến ván bóc.

Thực tế cho thấy, trồng rừng gỗ lớn giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với khai thác gỗ non. Rừng gỗ lớn còn góp phần bảo vệ đất, giữ nước, chống xói mòn, sạt lở đất tốt hơn. Do đó, những năm gần đây, huyện Na Rì vận động người dân phát triển cây gỗ lớn, đưa vào cơ cấu trồng các loại cây gỗ lớn như: Mỡ, lát, trám, quế, xoan…

Để đáp ứng nhu cầu kinh tế của bà con, bảo đảm nguồn thu nhập trước mắt một số địa phương kết hợp trồng rừng với trồng cây dược liệu, chăn nuôi, duy trì công thức vườn - ao - chuồng - rừng để lấy ngắn nuôi dài.

Đồng chí Lục Văn Thuần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì cho biết: Nếu trồng cây gỗ nhỏ bình quân 1ha sau 7 đến 8 năm khai thác thu được khoảng 70 - 80 triệu đồng, trừ đi khoảng 20 triệu đồng chi phí trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển thì lợi nhuận thu được chẳng đáng bao. Trong khi trồng cây gỗ lớn tuy chu kỳ khai thác phải từ hơn 10 năm trở lên, nhưng giá trị kinh tế mang lại cao gấp 2 - 3 lần, chưa kể những lợi ích về môi sinh.

Thực tế việc chuyển hóa rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện Na Rì chưa thực sự mạnh mẽ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh hướng đi này. Theo đó, một mặt, cán bộ kiểm lâm phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ lợi ích của trồng cây gỗ lớn về mặt kinh tế và môi sinh. Mặt khác, hướng dẫn cụ thể quy trình và kỹ thuật tỉa thưa giảm mật độ, loại bỏ những cây bị sâu bệnh, không đủ tiêu chuẩn, chăm sóc tốt rừng trồng.../.

Xem thêm