Phụ nữ Bắc Kạn bắt nhịp với công nghệ số

BBK - Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, phụ nữ Bắc Kạn nắm bắt xu thế, tận dụng những tiện ích mà công nghệ số mang lại để phát triển kinh tế gia đình, quảng bá sản phẩm và nâng cao chất lượng cuộc sống.

thanh-ha-2.jpg
Chị Mùng Thị Mến, xã Nghiên Loan (Pác Nặm) Livetreams bán hàng cho HTX Yến Dương (Ba Bể).

Những ngày gần đây, vườn ớt chỉ thiên rộng 1.000m2 của gia đình chị Hoàng Thị Diệp, thôn Trung Tâm, xã Như Cố (Chợ Mới) đang vào vụ thu hoạch đợt cuối. Thay vì mang ra chợ bán như trước đây, chị Huyền nay chỉ cần ngồi tại nhà, sử dụng một chiếc điện thoại thông minh là đã có thể quảng bá và bán sản phẩm của mình.

Tận dụng mạng xã hội Facebook, chị chụp lại những quả ớt to, chín đỏ tại vườn rồi đăng lên trang cá nhân. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều khách hàng tại địa phương đã biết đến, nhắn tin đặt mua, giúp chị bán hết lô ớt một cách nhanh chóng. Chị Diệp vui vẻ chia sẻ: "Nhờ vào mạng xã hội, việc bán hàng của gia đình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, không cần tốn thời gian đi chợ, vẫn bán được hết hàng".

Tương tự, chị Mùng Thị Mến, thôn Pác Giả, xã Nghiên Loan (Pác Nặm), còn biết tận dụng Facebook và TikTok không chỉ để bán nông sản của gia đình, mà còn tăng thêm thu nhập từ việc livestream bán hàng sản phẩm cho các hợp tác xã địa phương. Trang Facebook và TikTok của chị thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi, giúp tăng độ tin cậy và thu hút đối tác. Chị Mến hào hứng chia sẻ: "Công nghệ số đã giúp cho phụ nữ nông thôn chúng tôi bán sản phẩm nông sản làm ra hiệu quả hơn, tăng thu nhập đáng kể cho bản thân và gia đình".

thanh-ha.jpg
Phụ nữ Bắc Kạn đã bắt nhịp với công nghệ số để Livetreams bán hàng, tăng thu nhập cho gia đình.

Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và triển khai kế hoạch "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội" giai đoạn 2021 - 2026. Hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức hoặc phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Bảo hiểm xã hội, Tư pháp để tuyên truyền, tập huấn cho hội viên. Kết quả, 108/108 cơ sở Hội đã tổ chức 165 cuộc tuyên truyền với hơn 928 hội viên tham gia.

Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn còn triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong đó phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về sử dụng mạng xã hội Facebook để bán hàng, livestream bán hàng và tham gia thương mại điện tử. Các lớp tập huấn này giúp chị em phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng để khai thác tiện ích của các nền tảng mạng xã hội, từ đó quảng bá và bán các sản phẩm do gia đình và hợp tác xã do phụ nữ làm chủ sản xuất.

Bà Phan Thị Na, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Việc thực hiện ứng dụng CNTT trong công tác Hội đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội, giúp cán bộ, hội viên tiếp cận nhanh chóng với các xu thế mới của nền kinh tế số. Chúng tôi không chỉ tập trung vào tuyên truyền mà còn tổ chức nhiều lớp đào tạo thực hành để chị em có thể áp dụng trực tiếp vào công việc kinh doanh, sản xuất. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực như quản lý hội viên, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và thúc đẩy thương mại điện tử”.

Việc ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số không chỉ giúp phụ nữ Bắc Kạn nâng cao thu nhập, mà còn góp phần thay đổi tư duy, giúp họ tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Xem thêm