Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thảo luận tại Tổ. |
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội họp tập trung tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Tổ đại biểu để thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đánh giá cao sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và Ban soạn thảo đã xây dựng dự thảo Nghị quyết rất công phu, kỹ lưỡng, qua nhiều bước.
Đối với những ý kiến còn khác nhau về tên gọi của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Thủy đề nghị giữ nguyên như tên gọi của Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thực hiện từ năm 2014 đến nay.
Về việc bổ sung vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 06 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền (Điều 2 của dự thảo Nghị quyết), đại biểu cho rằng đây là quy định rất phù hợp và giàu tính nhân văn. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ quy định “xác nhận của cơ sở y tế” là cơ quan nào, cấp nào để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi khi áp dụng Nghị quyết trong thực tiễn.
Liên quan đến việc bổ sung một số nội dung giải thích thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm”, đại biểu Thủy đề nghị không quy định nội dung mang tính hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm là: “đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm, bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm” trong dự thảo Nghị quyết.
Quan tâm đến quy định về hành vi cấm ở Điều 8 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Nội dung quy định tại khoản 4 là chưa phù hợp với tên Điều và đề nghị thiết kế lại nội dung khoản 4 về “Trường hợp vi phạm pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật” thành 1 điều riêng về việc xử lý hành vi vi phạm trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, đại biểu Ngân cũng cho rằng nội dung quy định việc xử lý hành vi vi phạm như dự thảo còn chung chung, khó xác định, nên đề nghị cần quy định rõ hơn các hành vi vi phạm và có chế tài xử lý cụ thể.
Tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn bày tỏ băn khoăn về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo về “tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao”. Đại biểu đề nghị cần có quy định về khung đánh giá, mẫu phiếu đánh giá các nội dung trên để có cơ sở khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Bên cạnh đó, trong phiên thảo luận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, các mốc thời gian tiến hành các công việc trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị xem xét mối quan hệ giữa các quy định trong dự thảo liên quan đến công tác quản lý đất đai, nhà ở với việc Quốc hội đang xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở để quy định cho phù hợp.
Liên quan đến quy định về hạn mức phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất trong các cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động cụ thể của quy định này đối với các chỉ tiêu về sử dụng đất lúa cho phù hợp với việc thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết 39/2021/QH15 của Quốc hội. Bên cạnh đó, đối với quy định về các ngành nghề ưu tiên và cơ chế thu hút nhà đầu tư tại Điều 7, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ khả năng điều tiết và cân đối vốn NSNN của Thành phố trong quá trình thực hiện Nghị quyết này./.