Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Ngày 22/7, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc, nghe các báo cáo, tờ trình; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong phiên họp buổi sáng tại Hội trường, Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tờ trình và báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. Tiếp đó, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại Đoàn ĐBQH về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ảnh 1

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ số 10 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Nam, Quảng Bình, Bình Định.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ số 10 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Nam, Quảng Bình, Bình Định.

Các ĐBQH đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, đánh giá cao hiệu quả của hệ thống giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch bệnh. Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các ý kiến cơ bản đồng tình với đánh giá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu trong báo cáo của Chính phủ.

Các ý kiến tập trung vào những giải pháp điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn 5 năm 2021-2025 khi tình hình dịch bệnh Covid–19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, triển khai hiệu quả hoạt động tiêm chủng vắc-xin. Một số ý kiến quan tâm đến việc xây dựng cơ chế, thu hút nguồn lực xã hội hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật…

Tham gia phát biểu tại Tổ, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về tình trạng thất nghiệp của người lao động qua đào tạo; việc thực hiện các giải pháp ngăn chặn thông tin xấu, độc và đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn trong 6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn 5 năm tới; kiến nghị sửa đổi một số nội dung liên quan đến Luật Lâm nghiệp hiện hành.

Trước đó, ngày 21/7, Quốc hội đã bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021./.

Lục Thúy

Xem thêm