Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Với 86,14% tỷ lệ đại biểu tán thành, chiều 23/6, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Với 86,14% tỷ lệ đại biểu tán thành, chiều 23/6, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Luật gồm 20 chương 170 điều, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.


Điểm nổi bật cơ bản của Luật là đã xây dựng mới nội dung về quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT); quy định cụ thể hơn về nội dung cần phải có của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; bổ sung quy định về cam kết BVMT...

Luật quy định bổ sung và cụ thể về trách nhiệm của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề; các điều kiện về BVMT tại các làng nghề; trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đối với BVMT làng nghề.

Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước bên cạnh trách nhiệm của nhà sản xuất đối với việc thu hồi các sản phẩm hết hạn sử dụng và thải bỏ; bổ sung quy định trách nhiệm của các chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất trong quản lý chất thải…

Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), về đánh giá tác động môi trường, có ý kiến đại biểu quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần làm rõ nội dung và yêu cầu tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

UBTVQH cho rằng: Dự thảo Luật quy định chủ đầu tư dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan nhà nước, cộng đồng chịu tác động trực tiếp của dự án; còn nội dung và yêu cầu tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM sẽ được quy định trong văn bản dưới Luật vì quy mô, tính chất, nội dung, ảnh hưởng đến môi trường của từng loại dự án là rất khác nhau, do đó nội dung và yêu cầu tham vấn cũng rất khác nhau đối với từng dự án.

Đáng chú ý, một số vị ĐBQH đề nghị cần cân nhắc quy định cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì có thể gây tác động xấu đến môi trường nếu không có những quy định nghiêm ngặt, UBTVQH cho rằng ý kiến nêu trên là xác đáng, xin được tiếp thu và giải trình như sau: Tại phiên thảo luận ngày 30/5/2014, Dự thảo Luật quy định tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, nghĩa là phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để hạn chế tới mức thấp nhất có thể gây tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đã giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng nhằm bảo đảm tổ chức chặt chẽ việc phá dỡ, hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Trên thực tế công việc phá dỡ tàu biển đã được nhiều nước tiến hành. Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao, khối lượng không nhỏ cho sản xuất công nghiệp; góp phần giải quyết việc làm, tăng lợi ích kinh tế, góp phần BVMT vì giảm bớt đến yêu cầu khai thác khoáng sản. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho được tiếp thu và quy định về vấn đề này như tại Điều 75 của Dự thảo Luật.../.

(Theo cpv.org.vn)

Xem thêm