Tép chua Khang Ninh - Đặc sản riêng có của vùng hồ Ba Bể

BBK - Từ những con tép tươi được đánh bắt ở hồ Ba Bể, qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người dân địa phương đã trở thành món ăn đặc trưng: Tép chua Khang Ninh.
Khâu quan trọng và khó nhất trong làm tép chua đó là phải nhặt tép cho thật sạch.

Khâu quan trọng và khó nhất trong làm tép chua đó là phải nhặt tép cho thật sạch.

Bà Lý Thị Nguyệt, chủ thương hiệu tép chua Cao Nguyệt nức tiếng với kinh nghiệm lâu năm nhất vùng Khang Ninh chia sẻ: “Từ thời ông bà tôi đã thường làm tép chua để sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Món này dễ ăn, ngon miệng. Từ năm 2000, nhận thấy nhiều khách du lịch có nhu cầu mua tép chua về làm quà thì tôi mạnh dạn làm nhiều hơn để bán, vừa là tiếp nối nghề của ông bà để lại, vừa tạo thu nhập cho gia đình”.

Cơm nấu từ gạo Bao thai được dùng để làm món tép chua.

Cơm nấu từ gạo Bao thai được dùng để làm món tép chua.

Theo bà Nguyệt, để làm được món tép chua phải trải qua nhiều công đoạn, công đoạn khó nhất, quan trọng nhất là phải nhặt tép cho thật sạch. Thứ nữa là dùng cơm nấu từ gạo Bao thai để sản phẩm có độ khô ráo nhất định, không bị nát.

Nguyên liệu gồm có: Tép tươi được đánh bắt ở hồ Ba Bể, men lá, rượu, muối, gạo Bao thai. Trong đó, men lá và rượu do nhà bà Nguyệt tự làm. Đầu tiên là nhặt tép, rửa sạch rồi để ráo nước. Tiếp đó là trộn muối, men, rượu, cơm nóng, rồi bỏ tép đã trộn vào chum ủ khoảng 2 đến 3 ngày cho ngấm gia vị. Nếu thời tiết nắng nóng thì khoảng 3 ngày tép đã chua, có màu hồng cam sáng.

Bà Lý Thị Nguyệt đã gắn bó trên 20 năm với nghề làm tép chua

Bà Lý Thị Nguyệt đã gắn bó trên 20 năm với nghề làm tép chua

Cách chế biến tép chua ngon nhất là rang cùng thịt lợn, phần vai băm nhỏ, thêm chút củ riềng hoặc gừng băm. Mùi thơm chua dịu của tép lẫn vị ngọt của thịt lợn, mùi thơm của gừng, riềng giúp bữa ăn thêm phần đậm đà, ấm áp, ngon khó cưỡng.

Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, tiếng lành đồn xa, sản phẩm tép chua Cao Nguyệt đã được bày bán ở nhiều địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh. Hầu hết sản phẩm được bán buôn, trung bình khoảng 100kg/tháng, mỗi năm, bà Nguyệt thu lãi vài chục triệu đồng từ nghề này.

Sản phẩm Tép chua Hoàng Hương của HTX Hoàng Hương

Sản phẩm Tép chua Hoàng Hương của HTX Hoàng Hương

Cũng là một người có kinh nghiệm làm tép chua, chị Hoàng Thị Hương, Giám đốc HTX Hoàng Hương, thôn Bản Vài, xã Khang Ninh là người chắp cánh cho thương hiệu tép chua Khang Ninh đi xa hơn. Sản phẩm tép chua của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019. Mỗi tháng, HTX cung ứng khoảng 200kg tép chua cho các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch, tư thương trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Cao Bằng…

Hiện nay, xã Khang Ninh có 3 hộ làm tép chua để bán, khoảng 10 hộ làm để phục vụ nhu cầu gia đình. Thời gian tới, địa phương định hướng sẽ xây dựng làng nghề làm tép chua, hướng tới mở rộng thị trường, tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con địa phương. Các hộ dân, HTX sản xuất tép chua tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời mong cấp uỷ, chính quyền, các cấp, ngành tạo điều kiện để sản phẩm vươn cao, vươn xa hơn.

Đến Ba Bể, du khách nhớ ăn thử và mua tép chua về làm quà, để người thân cũng được thưởng thức sản phẩm độc đáo, mộc mạc do người dân vùng hồ Ba Bể tự tay làm ra./.

Xem thêm