Chị Mã Thị Hà, quê gốc ở huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) sang Nhật Bản từ năm 2019. Chị Hà hiện đang làm phiên dịch tại Nhật Bản, từ khi đặt chân đến xứ sở hoa anh đào, chị chưa có dịp về Việt Nam đón Tết âm lịch. Chị Hà cho biết: Nước Nhật Bản đón Tết dương lịch, như đầu năm 2024 vừa rồi, tôi có kỳ nghỉ 13 ngày. Nhưng đến Tết âm lịch thì bên này lại đi làm như bình thường nên việc xin nghỉ dài rất khó, thêm nữa mỗi chuyến đi về mua vé máy bay cũng tốn nhiều kinh phí nên dù đôi khi nhớ nhà, nhớ Tết cổ truyền cũng đành nén lại.
Những ngày này dù vẫn đi làm bình thường, nhưng chị Hà luôn sắp xếp thời gian để cùng các anh, chị, em người Việt Nam tại khu chị sinh sống đón Tết cổ truyền của quê hương. Dù ngày tụ tập có thể không đúng vào đêm 30 hay mùng 1 Tết, nhưng chị Hà và mọi người vẫn tự tay chuẩn bị mâm cỗ mừng năm mới với đúng không khí Tết Việt nhất có thể.
Chị Hà chia sẻ: Tôi và các gia đình, anh, chị người Việt bên này vẫn gói bánh chưng, cuốn nem, luộc gà… Trẻ con vẫn mặc áo dài thật xinh, hớn hở chụp ảnh. Các món đồ trong siêu thị cơ bản đều có sẵn, chỉ có lá dong gói bánh là khá đắt (khoảng 700 Yên/kg) vì đến dịp các cửa hàng đồ Việt mới nhập về. Công việc bên này tương đối bận rộn, nhưng những ngày Tết ai cũng nhớ nhà nhiều hơn, nhắc xem mọi người tầm này đang làm gì. Tôi sẽ canh lúc giao thừa theo giờ Việt Nam để xem trực tiếp, gọi điện về nhà, xem Táo quân và động viên bản thân cố gắng nhiều hơn nữa.
Còn với anh Duy Lịch ở thành phố Bắc Kạn, thì năm 2024 là năm thứ 7 anh ở Nhật Bản. Do đặc thù công việc nên Tết âm lịch anh vẫn đi làm ca như bình thường và gần như không có ngày nghỉ. Chính vì vậy, anh và các bạn đã “góp gạo thổi cơm chung”- tổ chức đón Tết cổ truyền sớm.
Tại Nhật Bản, anh Lịch và các bạn vẫn gói bánh, luộc bánh và bày mâm cỗ Tết. |
“Chúng tôi sẽ lên kế hoạch và chuẩn bị đồ trước có khi cả tháng. Đầu tiên là lên sàn thương mại điện tử đặt đồ trang trí để chuyển sang đây vì bên này không thể tìm mua được. Sau đó sẽ cùng nhau gói bánh chưng, có cả bánh vuông và bánh dài và tất nhiên sẽ không thể thiếu giò, nem, canh miến, gà luộc… Nhưng trong bữa cơm năm mới vừa rồi, chúng tôi còn phấn khởi khi được uống rượu men lá ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn. Tôi đã rất tự hào khi bảo rằng đây là sản phẩm của quê mình được bán tại Nhật Bản”- anh Lịch cho biết.
Sau khi nâng ly chúc năm mới vui vẻ, anh Lịch và mọi người sẽ cùng nhau ca hát, trò chuyện để không khí trở nên vui tươi, rộn rã. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, trước giao thừa anh gọi về hỏi thăm bố mẹ, người thân ở quê. Theo anh Lịch, rất hiếm khi khoảnh khắc giao thừa được đón cùng nhau. Bước sang năm mới, mỗi người đều lặng lẽ hướng về gia đình, cầu chúc cho quê hương một năm mới an khang, thịnh vượng.
Còn với chị Nguyễn Thanh Hảo, quê ở Hà Tĩnh thì đây là năm thứ 2 chị và gia đình sang Nhật Bản. Những ngày này, chị sẽ tìm mua một cành đào nhỏ xinh để cắm trong nhà, trang trí thêm câu đối và làm các món ăn Việt Nam để đỡ nhớ vị Tết quê nhà. Để có được cảm giác quen thuộc, gia đình chị Hảo cũng không ngại vượt quãng đường dài đến một quán ăn người Việt ở Nhật Bản để thưởng thức bát phở những ngày cận Tết Nguyên đán.
Gia đình chị Hảo đã mời những người bạn ở Nhật Bản đến đón Tết cùng mâm cỗ người Việt. |
Chia sẻ về Tết âm lịch 2024, chị Hảo cho biết: Nhật Bản đang vào thời điểm lạnh nhất trong năm, cũng vì lẽ đó mà nhớ kinh khủng cảm giác ấm áp bên gia đình lớn mỗi dịp Tết cổ truyền. Năm nay 30 Tết vào đúng thứ 6 nên tối cả nhà cùng quần bên nhau, gọi điện cho ông bà hai bên nội, ngoại và xem chương trình Táo quân. Mùng 1, mùng 2 đi chơi một số gia đình quanh khu tôi sinh sống. Cũng như ở Việt Nam, Tết cổ truyền ở Nhật Bản là dịp để mọi người đến gần nhau hơn./.