Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn tham gia góp vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). |
Liên quan đến dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cần tổng kết và có đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trước khi luật hóa các nội dung trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi);
Về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm quy định tại Điều 184 đại biểu Thủy cho rằng, nợ của tổ chức tín dụng hay nợ của cá nhân, tổ chức khác đều phải có cơ chế xử lý bình đẳng, nếu áp dụng cơ chế xử lý nợ đặc thù cho tổ chức tín dụng khác với nợ của các tổ chức, cá nhân khác là chưa thực sự phù hợp và đề nghị thực hiện theo thủ tục chung được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự; về quy định kê biên tài sản trong dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần rà soát, nghiên cứu lại nội dung này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và thực tiễn. Theo đó, đại biểu đề nghị thực hiện theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự…
Quan tâm đến các nội dung quy định của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh và bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định trách nhiệm của UBND các cấp tại Điều 77 trong quản lý lưu vực dòng sông, đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh phối hợp trong quản lý lưu vực dòng sông để có các biện pháp quản lý hữu hiệu;
Về trách nhiệm của các cơ quan trong khai thác, sử dụng nguồn nước thủy điện tại Điều 47, đại biểu Huân cho rằng nội dung quy định của dự thảo Luật chưa rõ và đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm bắt buộc của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước cho thủy điện theo hướng: Phải đảm bảo hỗ trợ về đời sống, dân sinh, an ninh xã hội cho người dân nơi có hồ chứa; liên quan đến nguồn lực hỗ trợ để giữ và phát triển nguồn nước, theo đại biểu Hà Sỹ Huân, việc bảo vệ rừng là vấn đề cốt lõi, do đó đề nghị xem xét bổ sung quy định về nguồn lực hỗ trợ người dân tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng để có thể duy trì, phát triển, bảo đảm an ninh nguồn nước…
Cùng quan tâm đến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn đề nghị cần xem xét điều chỉnh quy định việc lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ quy định tại khoản 3 Điều 63 phải được thực hiện từ giai đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư, chứ không phải khi khai thác mới thực hiện thủ tục này.
Đồng thời, đề nghị quy định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước được xin ý kiến là cơ quan nào (Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay Bộ Tài nguyên và Môi trường) để thống nhất trong quá trình thực hiện Luật; về giải quyết tranh chấp tài nguyên nước (Điều 80), đại biểu Huế cho rằng nội dung quy định giải quyết tranh chấp còn chung chung, chưa cụ thể (như chưa quy định về thời hạn giải quyết; quyết định giải quyết vụ việc…).
Trong khi, đây là những tranh chấp rất khó giải quyết do liên quan đến xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm xử lý hậu quả; nguyên nhân làm ảnh hưởng đến nguồn nước, sụt, lún đất, ô nhiễm… Để thống nhất khi thực hiện, đề nghị bổ sung quy định theo hướng Chính phủ quy định chi tiết quy trình giải quyết tranh chấp tài nguyên nước./.