Tích cực huy động vốn để phục vụ cho vay cuối năm

Bối cảnh khó khăn chung đã có tác động không nhỏ tới việc thực hiện kế hoạch huy động vốn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Đây là nguyên nhân khiến các ngân hàng giảm một phần lợi nhuận vì buộc phải huy động thêm vốn từ các ngân hàng Trung ương. 
Bước vào năm 2012, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều chương trình huy động vốn. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của huy động vốn của các đơn vị đều chậm. Tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm so với cuối năm 2011 do khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiền gửi của dân cư tăng chậm do thực hiện giảm lãi suất huy động, một số khách hàng ngoài địa bàn và trên địa bàn rút tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. 
Tính cho đến ngày 7/12, toàn hệ thống huy động được hơn 2.463 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Kạn huy động được hơn 1.362 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bắc Kạn huy động được hơn 917 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Bắc Kạn huy động được hơn 163 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Bắc Kạn huy động thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 18 tỷ đồng. 
Vốn ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng huy động vốn, trong khi nhu cầu vay trung - dài hạn tại địa phương là chủ yếu, các chi nhánh ngân hàng thương mại phải tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng cấp trên. Tổng dư nợ đến ngày 7/12 trên địa bàn là hơn 5.206 tỷ đồng. Có nghĩa, toàn hệ thống đã phải huy động từ ngân hàng cấp trên hơn 2.700 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Kạn huy động từ ngân hàng Trung ương hơn 490 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bắc Kạn là hơn 940 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Bắc Kạn hơn 160 tỷ đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Kạn dẫn đầu thị phần huy động vốn với số huy động hơn 1.362 tỷ đồng (ảnh: Hoạt động kiểm quỹ tại Hội sở).
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Kạn dẫn đầu thị phần huy động vốn với tổng mức huy động được là hơn 1.362 tỷ đồng (Ảnh: Hoạt động kiểm quỹ tại Hội sở).
Theo đồng chí Phùng Thị Mỵ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Kạn thì việc huy động vốn từ ngân hàng Trung ương thực chất là các ngân hàng trên địa bàn phải vay lại để cung ứng đủ vốn cho nhu cầu dư nợ. Như vậy, đầu vào của nguồn vốn có lãi suất cao hơn huy động tại địa bàn, đương nhiên khi thực hiện cho vay lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm. Huy động vốn tại địa bàn không được tối đa sẽ không tận dụng được nguồn tiền nhàn rỗi trong khi lãi suất cho vay sẽ phải cao hơn. 
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Kạn , dự ước cả năm 2012, tiền gửi giảm mạnh nhất là của các tổ chức kinh tế với tỷ lệ giảm khoảng 12,7%. Đây là điều dễ hiểu vì hầu hết các doanh nghiệp đều tận dụng tối đa nguồn vốn sẵn có để tập trung sản xuất trong bối cảnh khó khăn trước khi nghĩ đến chuyện đi vay. Tiền gửi của dân cư tăng chậm do thực hiện giảm lãi suất huy động, một số khách hàng ngoài địa bàn và trên địa bàn rút tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. 
Nhu cầu vay vốn vào dịp cuối năm và đầu năm thường rất lớn. Hiện tại, để tập trung cho huy động vốn vào thời điểm cuối năm, tích lũy vốn cho thanh khoản, phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và thực hiện tăng trưởng dư nợ năm 2013, các ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai nhiều biện pháp. Cụ thể, các đơn vị đã giao chỉ tiêu huy động vốn đến từng cán bộ, viên chức; nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng mạng lưới hoạt động; đổi mới chính sách chăm sóc khách hàng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế, tập trung huy động vốn trung - dài hạn để chủ động trong hoạt động kinh doanh và tăng cường khả năng thanh khoản. 
Bên cạnh đó là nhiều chương trình khuyến mãi, dự thưởng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện chương trình tiết kiệm dự thưởng “May mắn ngập tràn - Muôn vàn hạnh phúc”. Trong đợt triển khai vừa qua, đơn vị đã huy động được 123 tỷ đồng và 8.278 USD. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Kạn triển khai chương trình Tiết kiệm dự thưởng Giải vàng Agribank… 
Các ngân hàng tiếp tục phải đẩy mạnh huy động vốn để chủ động giảm rủi ro cơ cấu nguồn vốn cũng như bù đắp nguồn vốn bị "ngâm" do nợ xấu tăng cao và để đảm bảo thanh khoản. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng phải thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối vốn và sử dụng vốn để bảo đảm thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và nhu cầu thanh toán, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013. Vì lẽ đó, tập trung huy động vốn trong thời điểm còn lại của năm 2012 và đầu năm 2013 là nhiệm vụ cần thiết./.
Tuấn Sơn

Xem thêm