Tin thầy cúng "tiền mất - tật mang"

Ở huyện Na Rì, đến nay tại một số xã vẫn có tình trạng người dân tin vào thầy cúng, thầy bói để bắt bệnh hoặc trừ tà, đuổi ma; người già ốm, con trẻ khóc nhiều hay làm ăn không gặp may… đều tìm đến thầy cúng. Hủ tục mê tín dị đoan tại làng bản vùng cao nhiều khi đem lại những hệ lụy đáng buồn.

Ở huyện Na Rì, đến nay tại một số xã vẫn có tình trạng người dân tin vào thầy cúng, thầy bói để bắt bệnh hoặc trừ tà, đuổi ma; người già ốm, con trẻ khóc nhiều hay làm ăn không gặp may… đều tìm đến thầy cúng. Hủ tục mê tín dị đoan tại làng bản vùng cao nhiều khi đem lại những hệ lụy đáng buồn.

Anh Trần Văn T ở xã Vũ Loan thưa chuyện với gia đình chọn ngày lành tháng tốt để lấy vợ. Nhà trai đã đến nhà gái để làm lễ ăn hỏi, hai bên gia đình đã sẵn sàng cho hôn hỷ của hai con, nhưng trớ trêu là sau khi đi xem bói, thì thầy bói phán... 2 năm sau mới được ngày cưới. Kết cục là đến đầu năm 2013, anh T đã trở thành ông bố trẻ mà vẫn chưa làm lễ cưới.

Còn gia đình anh N ở xã Lương Thượng đã mời thầy về xua đuổi tà ma và giải hạn cho gia đình chỉ vì thấy con trai nhỏ của mình đã gần 2 tuổi mà cứ hay khóc đêm và ăn uống kém. Qua gần 1 tuần sau khi thầy đã đuổi tà ma mà tình trạng đứa con vẫn không có chuyển biến, gia đình anh N gọi điện hỏi lại thầy cúng thì được trả lời "hồn ma vẫn chưa siêu thoát mà vẫn lẩn vẩn quanh nhà, buổi tối làm lễ thầy đã uống rượu và trong nhà xảy ra cãi vã, mất thiêng".

jhgj
Một buổi "giải hạn" của  thầy cúng tiêu tốn của gia chủ vài triệu đồng.

Và để đuổi được tà ma đi thật xa, gia đình N lại tiếp tục đón thầy về cúng lần 2. Lần này để không làm ảnh hưởng đến quá trình thầy làm lễ, gia đình đã không tổ chức ăn uống, rượu chè gì nữa, thầy cũng được “bồi dưỡng” khá hơn lần trước. Thế nhưng sau gần một tuần sau, hiện tượng của con vẫn không thuyên giảm, liên lạc với thầy thì thầy bảo cứ chờ, vì cháu nặng vía. đến khi không chờ được nữa thì gia đình đành tức tốc mang con đến bệnh viện huyện để điều trị. Bệnh tình của đứa trẻ nhanh chóng được chữa khỏi. Thế là nhà anh N đi tong mấy triệu đồng cho thầy cúng.

Còn những sự việc mất trộm vặt trong gia đình hoặc những đồ đạc có giá trị, thay vì đi báo với chính quyền địa phương hoặc ngành chức năng thì nhiều gia đình lại đi báo với thầy cúng, thầy bói để xem người trộm là nam hay nữ, trộm xong thì đi về hướng nào, là người trong nhà hay người ngoài, để gia đình tự dò hỏi, tìm lại tài sản của mình đã bị mất.

Theo một cán bộ của Trung tâm y tế huyện Na Rì thì một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng thầy bói, thầy cúng có thể chữa trị được bệnh. Họ chỉ đến viện khi gặp chấn thương nặng như gãy chân, tay hoặc những bệnh dễ dàng nhìn thấy. Còn những bệnh không nhìn thấy được (như đau bụng không rõ lý) do thì họ dùng thuốc nam hoặc mời thầy về để trừ ma. Do việc mê tín vẫn tồn tại trong cộng đồng nên đến nay trên địa bàn huyện vẫn có hàng chục thầy bói, thầy cúng hoạt động.

Thiết nghĩ các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, chú trọng đến hiệu quả của các biện pháp tuyên truyền về chống mê tín dị đoan trong cộng đồng dân cư đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tránh để những tổ chức, cá nhân lợi dụng việc thiếu hiểu biết của nhân dân để lừa lọc, trục lợi.

Đình Văn

Xem thêm