TP. Bắc Kạn tái cơ cấu ngành trồng trọt

Nhờ các chính sách tái cơ cấu lại ngành trồng trọt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã và đang có chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP cho hiệu quả kinh tế cao...

Nhờ các chính sách tái cơ cấu lại ngành trồng trọt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã và đang có chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP cho hiệu quả kinh tế cao...

Mô hình rau, quả nhà lưới công nghệ cao ở tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn
Mô hình rau, quả nhà lưới công nghệ cao ở tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn.

Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong nhiều năm qua thành phố Bắc Kạn đã chỉ đạo sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, nhất là đối với rau an toàn, cây ăn quả...

Đồng chí Dương Hữu Bường- Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho biết: Trên cơ sở các chính sách của tỉnh, UBND thành phố đã xây dựng các chính sách để hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn. Cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí mua giống cây, con, thức ăn chăn nuôi... Sau khi kết thúc mô hình các hộ dân tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, thành phố triển khai các chương trình liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất cho người dân, doanh nghiệp theo hướng hàng hóa.

Từ năm 2017 đến nay, các xã, phường trên địa bàn đã tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế. Do đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị gia tăng, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chỉ tiêu về trồng trọt của thành phố đạt và vượt kế hoạch. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế là 5,8%. Diện tích đất sản xuất lương thực hằng năm khoảng 700ha. Cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo Nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, luân canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Bà con được tiếp cận ứng dụng các quy trình kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI; đầu tư thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất; 80% diện tích đất nông nghiệp được áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất; diện tích đất được luân canh trồng các loại cây rau màu, thực phẩm ngày càng tăng.

Tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân giai đoạn 2017-2020 của thành phố là 4.378/4.000 tấn/năm, bằng 109,45% mục tiêu Đại hội đề ra. Diện tích đạt giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha canh tác ngày càng tăng (năm 2017 đạt 140ha, đến năm 2019 đạt trên 184ha). Diện tích một số loại cây ăn quả cũng tăng dần qua các năm. Cụ thể như cây cam, quýt năm 2020 là 90ha, tăng 24ha so với năm 2017; hồng không hạt 25ha, tăng 8ha so với năm 2017; cây mơ năm 2019 là 119ha, tăng 44ha so với năm 2017... Một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Rau, đậu đỗ, hoa, cây cảnh... bước đầu thực hiện theo hướng an toàn, rau sạch và rau công nghệ cao, tập trung tại phường Huyền Tụng, xã Dương Quang, xã Nông Thượng. Tổng diện tích rau an toàn đạt 100ha, rau công nghệ cao 1,38ha…

UBND thành phố đã chủ động xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án “mỗi xã, phường một sản phẩmˮ tỉnh Bắc Kạn (OCOP-BK), giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời áp dụng các chính sách của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng. Cụ thể: Năm 2018 có 08 sản phẩm được UBND tỉnh Bắc Kạn công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm đạt 4 sao, 04 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2019 có 16 sản phẩm được UBND tỉnh Bắc Kạn công nhận sản phẩm OCOP gồm: 14 sản phẩm mới (trong đó 13 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao); 02 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Năm 2020 có 22 sản phẩm sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020.

Với những giải pháp và lộ trình phù hợp, thành phố Bắc Kạn đang từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, giúp người dân, doanh nghiệp có điều kiện, môi trường tốt hơn để phát triển kinh tế./.

Duy Khánh

Xem thêm