Triển vọng cây bí xanh dài ở Trung Hòa

Nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, người dân xã Trung Hòa (Ngân Sơn) đã chuyển đổi sang trồng cây bí xanh dài trên đất lúa, bước đầu đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều cây trồng khác, mở hướng phát triển kinh tế mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con nơi đây.

Ruộng bí xanh dài của gia đình anh Lực sai quả, đạt năng suất cao.
Ruộng bí xanh dài của gia đình anh Lực sai quả, đạt năng suất cao.

Năm 2020, 1ha cây bí xanh dài được trồng thử nghiệm tại xã Trung Hòa với 12 hộ dân tham gia. Qua đánh giá vụ đầu tiên, cây bí xanh dài dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, chịu rét tốt, ít sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương nên năng suất và tư thương thu mua tận nơi. Vì vậy, cây bí xanh dài được bà con tiếp tục nhân rộng trồng 02 vụ xuân hè và thu đông, giá bán từ 3.000 - 6.000 đồng/kg.

Đến thăm những vườn bí xanh dài tại xã Trung Hòa thời gian này dễ dàng nhận thấy niềm vui được mùa trên khuôn mặt của những nông dân. Dù giá bán vụ này thấp hơn vụ thu đông nhưng theo tính toán của người dân thì cùng một diện tích giá trị kinh tế gấp 3 lần trồng lúa, tiêu thụ dễ dàng. Hiện đã là vụ thứ 5 người dân xã Trung Hòa duy trì trồng bí xanh dài với diện tích 4ha tại các thôn Bản Hòa, Nà Chúa, Bản Phặc, Bản Phắng với hơn 100 hộ tham gia trồng.

Anh Dương Văn Lực, người dân thôn Nà Chúa cho biết: “Vụ đầu tiên gia đình trồng 300m2 bí xanh dài do chưa có kinh nghiệm nên sản lượng không đạt cao nhưng bán được giá 6.000 đồng/kg, thu nhập gần 5 triệu đồng. Vụ này gia đình trồng diện tích 700m2, chủ động chăm sóc, ủ phân chuồng bón xung quanh gốc nên quả to, dài; có quả nặng 4 – 5kg. Với giá bán 3.000 đồng/kg thu về khoản thu nhập khá, trên cùng diện tích nếu trồng lúa chắc không lãi nổi 1 triệu đồng”.

Cùng thôn với anh Lực, gia đình chị Thạch Thị Ve trồng 2.000m2 bí xanh dài. Để trồng trên diện tích này gia đình chị chi phí khoảng 1 triệu tiền giống, phân bón tận dụng phân chuồng kết hợp với phân NPK, phủ nilon để hạn chế cỏ mọc, đầu tư làm giàn. Vụ bí này dự tính giá bán 3.500 đồng/kg, thu về trên 20 triệu đồng, trừ chi phí vẫn lãi hơn chục triệu đồng.

Trên cơ sở người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trong 2 năm (2021, 2022) Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) phối hợp với Hội Phụ nữ xã, Hội Nông dân xã hỗ trợ thành lập 6 tổ hợp tác trồng bí xanh và bí đỏ, với hơn 80 thành viên; hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật. Để giúp người dân có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, xã Trung Hòa đã kết nối với Hợp tác xã Yến Dương (Ba Bể) hỗ trợ bao tiêu 4ha bí xanh dài của người dân trong xã với giá thu mua tại chỗ 3.500 đồng/kg. Dự kiến trong năm nay, Hợp tác xã Yến Dương phối hợp với xã Trung Hòa trồng thử nghiệm hơn 1ha bí xanh thơm có bao tiêu về đầu ra. Đây là tín hiệu vui đối với người dân địa phương trong việc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung là cách làm phù hợp đối với địa phương còn khó khăn như Trung Hòa. Tuy nhiên, để nhân rộng và có tính bền vững rất cần sự liên kết chặt chẽ “4 nhà” trong việc trồng, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, người dân nơi đây mong muốn có sự kết nối chặt chẽ từ đầu vào đến khâu tiêu thụ trong phát triển loại cây trồng này./.

Hà Nhung

Xem thêm