Từ giữa năm 2020, với sự đồng hành của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn, các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ triển khai các hoạt động chuyển đổi số tại xã Vi Hương. Khi đó, Viettel Bắc Kạn hỗ trợ lắp đặt hệ thống wifi công cộng phủ sóng tại trung tâm xã và điểm Bưu điện văn hóa xã gồm 01 đường truyền internet cáp quang tốc độ cao và 01 thiết bị phát wifi phục vụ cùng lúc 50 người dùng; Trạm Y tế xã được chuyển giao hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Telehealth; Đài truyền thanh xã được thông minh hóa với nền tảng text-2-speech, phát thanh qua trợ lý ảo; HTX Thiên An được hỗ trợ các phần mềm quản lý bán hàng, kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền xã; máy vi tính… Các hoạt động trong giai đoạn 1 lộ trình chuyển đổi số ở xã Vi Hương được huy động đóng góp từ các doanh nghiệp với tổng giá trị trên 500 triệu đồng.
“Những sự hỗ trợ ban đầu của Trung ương và các đơn vị, doanh nghiệp đối với Vi Hương đã được thực tế kiểm nghiệm, từng mang lại hiệu quả trong công tác điều hành của chính quyền, tạo thuận lợi cho Nhân dân và hợp tác xã trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn 1, một số trang thiết bị, phần mềm đã không còn được tài trợ, như: Wifi công cộng bị ngắt kết nối; phần mềm truyền thanh thông minh và một số phần mềm hỗ trợ hoạt động bán hàng cho hợp tác xã hiện không được duy trì…”, ông Nguyễn Văn Hoán, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ về thực trạng mô hình chuyển đổi số xây dựng "xã thông minh" ở Vi Hương.
Dấu ấn còn nhận thấy rõ nét nhất từ thành quả mô hình xây dựng “xã thông minh” ở Vi Hương có lẽ chính là hoạt động bán hàng của HTX Thiên An trên các sàn thương mại điện tử hiện vẫn được duy trì. Còn lại những nội dung khác không có nhiều đổi thay so với các xã khác có xuất phát điểm thấp hơn. Thậm chí, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình năm 2023 của xã chỉ đạt gần 16%.
Đối với hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Telehealth, ông Nguyễn Nông Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho hay: Đến nay, Trạm vẫn duy trì sử dụng hệ thống thiết bị được hỗ trợ, thường xuyên nhất là phục vụ các cuộc họp, hội nghị trực tuyến hoặc học tập kinh nghiệm. Đôi khi mới sử dụng trong công tác khám, chữa bệnh từ xa, bởi phải thực hiện kết nối với các bệnh viện vệ tinh trên toàn quốc, phải có kế hoạch và liên hệ để đề nghị được tư vấn…
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hoán cho biết thêm: "Khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết trong đó đặt ra mục tiêu là thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao kỹ năng số, giúp người dân tiếp cận với công nghệ số, quảng bá sản phẩm trên môi trường số; ứng dụng hiệu quả các tiện ích số trong công tác quản lý, điều hành… Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách của địa phương hạn hẹp nên một số trang thiết bị, phần mềm hiện nay không thể duy trì được. Để phát huy kết quả hỗ trợ thí điểm mô hình điểm chuyển đổi số, chúng tôi cũng đã đề nghị cấp trên tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2".
Thực tế cho thấy, trong phạm vi thí điểm chủ yếu là các doanh nghiệp hỗ trợ về trang thiết bị, công nghệ, phần mềm. Vấn đề quan trọng là sự quyết tâm chuyển động của địa phương, phát huy thành quả sẵn có để tiếp tục lan tỏa thành công sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm. Thiết nghĩ, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, huyện và ngành chuyên môn, thì xã Vi Hương cũng cần chủ động và thích ứng để tránh “đi trước, về sau” trong lộ trình chuyển đổi số./.