Việc định hướng phát triển nấm linh chi mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tỉnh Bắc Kạn |
Các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, Bắc Kạn có diện tích rừng tự nhiên lớn, phong phú về chủng loại, có nhiều cây dược liệu quý mọc tự nhiên dưới tán rừng. Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu ở Bắc Kạn vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển cây dược liệu như bảo tồn, chọn lọc, sản xuất và cung ứng giống chuẩn hóa còn hạn chế, việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dược liệu đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế chưa nhiều.
Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS cho rằng Bắc Kạn hoàn toàn có tiềm năng để phát triển nấm linh chi dưới tán rừng. |
Việc tổ chức Hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho các tổ chức, cá nhân, từ đó xác định được những vấn đề trọng tâm, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nghiên cứu phát triển lâm sản ngoài gỗ, phát triển dược liệu dưới tán rừng, trong đó có nấm linh chi, đây sẽ là một hướng đi mới, nếu thực hiện tốt sẽ gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS giới thiệu về phát triển nông nghiệp tái sinh; hiệu quả kinh tế từ cây keo lai; chia sẻ giải pháp phát triển nấm linh chi dưới tán rừng keo và kỹ thuật trồng nấm linh chi.
Các đại biểu đồng tình với định hướng trồng nấm linh chi, tuy nhiên cần phải nghiên cứu, khảo sát và xây dựng mô hình thí điểm. |
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu về một số giải pháp phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đối với rừng trồng sản xuất; rừng sản xuất tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong đó có giải pháp trồng cây lâm sản dưới tán rừng.
Các đại biểu tham gia Hội thảo cơ bản nhất trí và đồng tình với định hướng của tỉnh đưa nấm linh chi trồng dưới tán rừng, tuy nhiên cần thông tin thêm về các điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu, mật độ trồng nấm linh chi, nhất là các khu vực có điều kiện phức tạp, địa hình khó khăn như Bắc Kạn. Về đầu ra sản phẩm, tiêu chuẩn để xuất khẩu nấm linh chi, khả năng thích nghi, sự phù hợp của nấm linh chi với loài cây khác ngoài keo. Các đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế chính sách để cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC); đề nghị sớm cho phương án khai thác đối những diện tích rừng trồng lâu năm nhưng đưa vào quy hoạch 03 loại rừng...
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo. |
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình bày tỏ cảm ơn và tiếp thu ý kiến tham gia của đại biểu. Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giúp cho UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn có định hướng trong hoạt động phát triển lâm sản ngoài gỗ, phát triển dược liệu dưới tán rừng, phát triển rừng bền vững.
Đồng chí đề nghị các sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện tốt các định hướng, giải pháp phát triển dược liệu dưới tán rừng, trong đó có nấm linh chi. Trước mắt nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng nấm linh chi điểm, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tín chỉ Carbon. Đề nghị Công ty TNHH Hệ sinh thái VOS tiếp tục đồng hành với tỉnh Bắc Kạn trong việc chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng nấm linh chi đạt kết quả cao./.