Bắc Kạn đổi mới công tác đào tạo nghề cho người lao động

BBK - Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người lao động, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Kạn chú trọng thực hiện. 

Nuoi-ga.jpg
Giờ học lý thuyết một lớp đào tạo nghề do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Mới tổ chức.

Với số lượng người trong độ tuổi lao động lớn, trong đó phần lớn là lao động nông thôn. Để phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và để người dân có sinh kế bền vững, tỉnh đã tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Thực tế cho thấy, công tác giáo dục nghề nghiệp đã làm thay đổi nhận thức, cải thiện kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động. Người lao động qua đào tạo đã vận dụng, phát huy hiệu quả kiến thức đã học, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho chính bản thân và gia đình.

Theo ông Hứa Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và định hướng về đào tạo nghề cho người lao động, đơn vị thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn trong việc khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Chương trình giảng dạy thường xuyên được đổi mới, bám sát thực tế sản xuất nhu cầu của người học và thị trường lao động. Vì vậy, sau khi học xong, học viên có thể áp dụng vào sản xuất ngay tại gia đình hoặc tìm kiếm việc làm phù hợp.

Nuoi-ga-2.jpg
Hướng dẫn kỹ thuật tại lớp đào tạo về nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Đồn tổ chức.

Tại tất cả các địa phương, các lớp học nghề đều dựa trên nhu cầu đăng ký của người dân và được đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất. Căn cứ nhu cầu của người dân, các đơn vị đào tạo nghề đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, như: Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm; chế biến món ăn; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; trồng và khai thác rừng... Sau đào tạo, phần lớn đều phát huy, vận dụng kiến thức được học vào thực tế sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Là đơn vị đào tạo nghề lớn của tỉnh với 14 ngành nghề khác nhau, thời gian qua, Trường Cao đẳng Bắc Kạn luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo. Theo ông Bế Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn, nhà trường luôn chú trọng đào tạo những kỹ năng chuyên môn doanh nghiệp cần ở người lao động, bảo đảm liên kết - hợp tác thường xuyên giữa nhà trường và doanh nghiệp ở tất cả các khâu. Theo đó, nhà trường đã xây dựng cơ chế phối hợp để các doanh nghiệp tham gia đóng góp những nội dung cần thiết, phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, thường xuyên theo dõi, nắm bắt nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và làm cầu nối để giới thiệu việc làm sau đào tạo. Hiện nhà trường đã ký cam kết hợp tác với hơn 30 đơn vị, doanh nghiệp, việc này bảo đảm học viên được thực tập và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Tien-1.jpg
Trường Cao đẳng Bắc Kạn luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo (Ảnh: Hướng dẫn học viên thực hành kỹ thuật tiện).

Trên phạm vi toàn tỉnh, hằng năm, theo chỉ tiêu được UBND tỉnh giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức đa đạng về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề đào tạo, thị trường lao động, việc làm, xuất khẩu lao động… Giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 30.200 người, phần lớn là trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng, trong đó, riêng năm 2023 là hơn 9.000 người; chỉ tiêu thực hiện năm 2024 đang được các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.

Theo bà Hà Thị Liễu, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung nâng cao công tác quản lý nhà nước. Đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt hoạt động tư vấn về chính sách việc làm, giáo dục nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện... hướng tới đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn./.

Xem thêm