Bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị từ loài kiến gai đen ở Vườn Quốc gia Ba Bể

BBK - Đồng bào các dân tộc ở huyện Ba Bể thường sử dụng trứng kiến gai đen để chế biến một số món ăn độc đáo. Để phát huy giá trị loài kiến này, các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng đã thực hiện các giải pháp bảo tồn, thu được hiệu quả bước đầu.
Sản phẩm xôi nếp trứng kiến được nhiều người ưa chuộng bởi vị thơm ngậy rất đặc trưng.

Sản phẩm xôi nếp trứng kiến được nhiều người ưa chuộng bởi vị thơm ngậy rất đặc trưng.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự án “Khai thác, sử dụng kiến thức bản địa để bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể” được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn thực hiện ở xã Quảng Khê và Hoàng Trĩ. Mục tiêu của dự án nhằm vận dụng kiến thức bản địa để góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn phát triển một số loài dược liệu quý hiếm. Bảo tồn, khai thác có hiệu quả loài kiến gai đen cho trứng làm thực phẩm. Cải tạo và phát triển cây ăn quả đặc sản của địa phương trở thành hàng hóa.

Người dân sử dụng trứng kiến để làm bánh vào những dịp như: Ngày 03/3 âm lịch (tảo mộ); ngày 05/5 (Tết Đoan ngọ)...

Người dân sử dụng trứng kiến để làm bánh vào những dịp như: Ngày 03/3 âm lịch (tảo mộ); ngày 05/5 (Tết Đoan ngọ)...

Kiến gai đen (tiếng Tày gọi là mật lày), có tên khoa học là Polyrhachis dives Smith là động vật được Dự án thực hiện bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị trứng kiến. Đã từ lâu, người dân bản địa đã biết sử dụng trứng kiến để làm nhân bánh hoặc xôi trứng kiến, đây được coi là một trong những món ngon, món đặc sản của người Tày ở nhiều địa phương. Thông qua dự án lần này tuyên truyền sâu rộng cho người dân về ý thức bảo tồn loài kiến, không sử dụng bình xịt hóa chất để đánh đuổi kiến khi lấy trứng.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn cho biết: Không phải loài kiến nào cũng có thể lấy trứng để sử dụng làm thực phẩm, mà phải dùng trứng của loài kiến đen, kiến vàng hoặc kiến nâu thì trứng mới thơm và ngậy. Do vậy, dự án mới tập trung vào bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của loài kiến gai đen có phổ biến ở khu vực vùng lõi VQG Ba Bể. Tổng kết dự án đã chứng minh giá trị tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế, từ đây người dân có thể nhân giống kiến ở khu vực vườn rừng được giao khoán bảo vệ, vừa tăng sản phẩm phục vụ du lịch, vừa tăng thu nhập từ bán sản phẩm trứng kiến góp phần tạo việc làm và giảm nghèo ở địa phương.

Mô hình thực hiện dự án bảo tồn loài kiến gai đen được triển khai trên diện tích khoảng 300ha thuộc hai xã Quảng Khê và Hoàng Trĩ, có 60 hộ tham gia mô hình. Khi thực hiện vệ sinh rừng, các tổ kiến, cây chủ, cây lấy lá làm bánh đã được người dân quan tâm, bảo vệ. Nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, không chặt phát phá cây rừng tự nhiên trong VQG Ba Bể, phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần rừng nhằm kịp thời phát hiện những hành vi xâm phạm rừng, thảm thực vật rừng, nguy cơ cháy rừng… từ đó có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Sản phẩm bánh trứng kiến và bánh giày.

Sản phẩm bánh trứng kiến và bánh giày.

Chị Hoàng Thị Xoa, thôn Nà Slải, xã Hoàng Trĩ là thành viên tham gia mô hình dự án cho biết: Tham gia mô hình này người dân được cùng cán bộ kiểm lâm và cán bộ dự án đi tuần rừng. Quá trình tuần rừng được cán bộ hướng dẫn cách vệ sinh môi trường rừng, bảo vệ các loài thực vật, dược liệu quý. Đặc biệt, bà con biết bảo vệ và khai thác trứng kiến theo cách truyền thống để duy trì, phát triển đàn, tăng đàn, thu hoạch được nhiều hơn sản phẩm trứng kiến.

Theo thống kê, trong vòng hai năm 2022 – 2023, mỗi năm người dân thu hoạch được từ 350 đến 400 tổ kiến gai đen. Việc khai thác trứng kiến đã giúp duy trì và phát triển đàn, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học cho môi trường. Mặt khác, quá trình vệ sinh rừng, người dân đã chú ý giảm tối đa việc chặt phát những cây không có hại cho người cũng như môi trường nhằm tăng sự hữu ích cho rừng phòng hộ./.

Xem thêm