Năm 2024, từ nguồn vốn các Chương trình MTQG, xã Bộc Bố được phân bổ nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng (bao gồm vốn chuyển nguồn từ các năm trước sang). Trong đó, vốn đầu tư hơn 4,6 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 5,7 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư được sử dụng để đầu tư nâng cấp đường giao thông liên thôn, hỗ trợ người dân xây dựng nhà, đầu tư sửa chữa và nâng cấp các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất; nguồn vốn sự nghiệp được sử dụng hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình chăn nuôi lợn đen, gà, dê, ngựa…
Ông Hà Việt Phương, Chủ tịch UBND xã Bộc Bố cho biết: Để triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Chương trình MTQG, ngay từ đầu năm địa phương đã ban hành kế hoạch, phân công cán bộ phụ trách theo từng lĩnh vực hỗ trợ, hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện. Trong quý III, địa phương đã giải ngân nguồn vốn sự nghiệp (hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất) đạt 100%, các hộ đang tổ chức chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đối với nguồn vốn đầu tư, do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều nên một số công trình triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch. Hiện nay thời tiết thuận lợi, chúng tôi đôn đốc các đơn vị tập trung nhân lực, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ.
Cũng theo lãnh đạo xã Bộc Bố, ngoài các nguồn vốn nói trên, địa phương còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Trong hai năm trở lại đây có gần 1.000 hộ vay vốn với tổng dư nợ gần 54 tỷ đồng.
Ông Ma Văn Long, Giám đốc Hợp tác xã dâu tằm Bộc Bố cho biết: Hợp tác xã hiện có 17 thành viên, trong đó phần lớn các thành viên đều vay vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Nguồn vốn vay đã thực sự giúp người dân có cơ hội vươn lên. Tuy nhiên, do mức vay còn thấp nên việc mở rộng sản xuất kinh doanh còn hạn chế so với nhu cầu cần vốn của người dân.
Trước thực trạng còn nhiều hộ gia đình thuộc diện nghèo và hộ gia đình đã thoát nghèo nhưng nguy cơ tái nghèo do thiếu tính bền vững, xã Bộc Bố đang tập trung thực hiện một số giải pháp như: Khuyến khích người dân chuyển đổi sang thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ hoặc nông nghiệp sạch, tăng giá trị nông sản và đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng cao, gia tăng thu nhập cho nông dân. Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích thành lập và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp để người dân tham gia và tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, cùng nhau hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu rủi ro.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Pác Nặm: Các mô hình giảm nghèo ở Bộc Bố được thực hiện đồng bộ và liên kết để mang lại hiệu quả bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện đạt hiệu quả cao xã Bộc Bố cần triển khai kết hợp giữa phát triển kinh tế, tuyên truyền giáo dục, xây dựng hạ tầng và các chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp người dân thoát nghèo bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống và góp phần vào sự phát triển chung của toàn huyện Pác Nặm./.