Hồ Nặm Cắt tại thành phố Bắc Kạn. |
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn cho biết: Hiện nay công ty được giao quản lý 32 hồ đập. Một số hồ có diện tích mặt nước lớn, có thể làm du lịch và nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn như hồ Bản Chang huyện Ngân Sơn, hồ Khuổi Khe huyện Na Rì, Hồ Nặm Cắt thành phố Bắc Kạn. Hiện nay các công trình này cơ bản chỉ phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, trong khi đó nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê mặt nước để kinh doanh dịch vụ hoặc nuôi trồng thủy sản lại không thể được.
Đối với hồ Nặm Cắt, Công ty chỉ được giao vận hành, điều tiết nước chứ không được cho cá nhân, tổ chức thuê mặt nước sử dụng vào các mục đích khác. Hồ Nặm Cắt có diện tích lòng hồ lên tới 160ha, dung tích nước lưu trữ là 12 triệu mét khối. Công trình khi hoàn thành tạo nguồn cấp nước tưới cho hơn 530ha đất nông nghiệp, đây là hồ có diện tích mặt nước lớn tuy nhiên mới chỉ khai thác tưới tiêu.
Tại hồ Nặm Cắt mỗi ngày lượng khách đến tham quan khá đông, nhất là dịp lễ tết. Dù địa phương chưa cấp phép hoạt động chuyên chở người bằng xuồng tại đây, nhưng người dân sau khi thu hồi đất vẫn chủ yếu gắn bó với sản xuất nông nghiệp, nên vẫn tự ý dùng xuồng để mưu sinh, chở khách kiếm thêm thu nhập. Cơ hội kinh doanh du lịch, dịch vụ tại đây đã hiện hữu. Mỗi chuyến thuyền đưa khách đi tham quan hồ người dân thu khoảng 300.000 – 400.000 đồng.
Không chỉ hồ Nặm Cắt, một số hồ, người dân tự ý nuôi trồng thủy sản, khai thác dịch vụ nhưng Công ty lại không thu phí hay nguồn thu khác cho Nhà nước được.
Hồ Bản Chang ở huyện Ngân Sơn. |
Một trong những hồ thủy lợi đang có lợi thế phát triển du lịch của tỉnh là hồ Bản Chang. Hiện nay một số điểm trên bờ hồ được người dân kinh doanh du lịch như dịch vụ ăn uống, cắm trại, trồng hoa… thế nhưng chỉ dừng lại quy mô nhỏ, vì không được thuê mặt nước để làm dịch vụ. Chị Ngô Thị Hương thuê 5ha đất ven hồ Bản Chang để làm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.
Đến nay, trên khu đất này gia đình chị đã đầu tư cơ bản dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan trải nghiệm dưới tán rừng thông khoảng 1 ngày. Tuy nhiên khi gõ cửa tìm đơn vị quản lý hồ để xin thuê mặt nước kinh doanh thuyền đưa khách tham quan hồ chị mới biết không thể cho thuê mặt nước, vì các hồ trên toàn tỉnh chưa có phương án quy hoạch sử dụng mặt nước vào các mục đích khác trừ tưới tiêu.
Chung quanh hồ Bản Chang cơ bản bà con trồng rừng sản xuất (cây thông). Do chưa phát triển du lịch, không có ai thuê rừng để làm du lịch nên người dân đã khai thác theo chu kỳ rừng. Từ một hồ nước thơ mộng, được nhiều người ví như Đà Lạt thu nhỏ, với môi trường cảnh quan xung quanh là rừng thông xanh bạt ngàn... Thì hiện nay sau khai thác rừng sẽ xuất hiện những khoảng đồi trọc mà phải mất hàng chục năm sau, màu xanh mới trở lại trên những diện tích này.
Từ thực tế nêu trên cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch với các hồ thủy lợi ở tỉnh Bắc Kạn là khá lớn. Ngoài việc phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nhiều hồ có tiềm năng nuôi thủy sản và phát triển du lịch. Thiết nghĩ tỉnh cần sớm có phương án quy hoạch sử dụng mặt nước, để người dân ven các hồ nước lớn có sinh kế, đồng thời thu hút các nhà đầu tư đến kinh doanh du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển./.