Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhờ sản xuất theo chuỗi giá trị

BBK - Nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG) đã giúp nhiều địa phương trên địa bàn Bắc Kạn đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

z6118817183528-f7f2c21f7586e166cfd401f36995377a.jpg
Mô hình nuôi gà theo chuỗi liên kết của HTX Nhung Lũy (Ba Bể) mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia.

Qua nhiều năm canh tác cho thấy, cây khoai tây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Để giúp người dân mở rộng diện tích, huyện Bạch Thông triển khai dự án liên kết sản xuất theo chuỗi cây khoai tây vụ từ nguồn vốn Chương trình MTQG. Năm 2023, huyện Bạch Thông triển khai trên 33ha; đơn vị liên kết thu mua khoai đúng theo hợp đồng, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh, ông Đặng Quyết Chiến cho biết: Vụ Đông này, toàn xã đã trồng được gần 20ha, trong đó có 12,57ha được hỗ trợ từ ngân sách Chương trình MTQG, 6,7ha là bà con tự trồng và liên kết với doanh nghiệp. Việc người dân chủ động thực hiện mô hình liên kết khi không còn chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cho thấy chính sách hỗ trợ trước đó đã giúp người dân thay đổi nhận thức, "tự đứng trên đôi chân của mình" để phát triển sản xuất.

Đầu vụ, giá mỗi ki-lô-gam gừng người dân Đổng Xá (Na Rì) bán cho doanh nghiệp bao tiêu theo chuỗi giá trị là 8.000 đồng, với năng suất trung bình 25 – 30 tấn/ha, người dân thu được hơn 200 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập cao cho một đơn vị diện tích canh tác đất nông nghiệp tại địa bàn miền núi, với đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Theo cán bộ phụ trách nông – lâm xã Đổng Xá, cây gừng được trồng nhiều năm qua duy trì diện tích từ 05 – 10ha. Từ năm 2023 đến nay mở rộng lên 20ha với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG và quỹ “Hỗ trợ nông dân”. Tham gia trồng gừng theo chuỗi với chu kỳ 03 năm từ 2023 – 2025, các hộ dân được hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng/chu kỳ (chưa kể nguồn hỗ trợ từ quỹ “Hỗ trợ nông dân”. Với giá trị kinh tế cao như vậy, dù cho dự án hỗ trợ liên kết sản xuất không còn thì chắc chắn bà con vẫn duy trì trồng gừng với đơn vị bao tiêu.

z6118819712234-22638a2dd2e8af82b9674fc0abee90cc.jpg
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bắc Kạn giám sát mô hình liên kết nuôi cá thương phẩm tại huyện Chợ Mới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2022-2024, trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện 705 dự án, gồm: 117 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 588 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (153 dự án trồng trọt, 550 dự án chăn nuôi, 02 dự án lâm nghiệp). Đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh triển khai thực hiện 377 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc 03 chương trình MTQG (112 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và 265 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng). Trong đó, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 66 dự án; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 30 dự án; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 16 dự án. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là có 122 dự án cộng đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 143 dự án cộng đồng. Tổng kinh phí đã phân bổ giai đoạn 2022-2024 là hơn 343 tỷ đồng.

Ông Triệu Đức Văn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Việc thực hiện các mô hình, dự án, áp dụng đúng quy trình khoa học kỹ thuật đã tạo ra nhiều sản phẩm có tính hàng hóa, chất lượng cao thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, đến nay, toàn tỉnh có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, các siêu thị lớn tại Hà Nội, tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Liên kết sản xuất theo chuỗi đóng vai trò tạo lực đẩy cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh./.

Xem thêm