Mô hình triển khai từ tháng 6 năm 2024, quy mô 1.000m2 gồm 7 hộ tham gia. Các hộ đã được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ cấp phát giống, vật tư gồm: Túi nilon, bông nút, máy bơm, ống dẫn HDPE...
Qua đánh giá, mô hình đã sản xuất tập trung được 15.000 bịch nấm, trong đó đã đem trồng dưới tán rừng keo khoảng 4.000 bịch, mật độ trồng 15 bịch/m2, phương pháp trồng tập trung theo lô. Qua đánh giá, tỷ lệ nấm sống đạt trên 80%. Hiện, số bịch nấm còn lại đang được ủ trong nhà kính, đến khi đạt tiêu chuẩn sẽ tiếp tục trồng dưới tán rừng keo. Hạch toán kinh tế sơ bộ cho thấy, với 1.000m2 trồng nấm có thể cho thu nhập lên đến 200 triệu đồng đã trừ chi phí. Giá bán loại nấm này trên thị trường là 800.000-1.200.000 đồng/kg tùy loại.
Hội thảo đánh giá, đây là mô hình dược liệu dưới tán rừng mới, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân địa phương, có thể nhân rộng. Tuy nhiên đặc điểm của loại cây dược liệu nấm linh chi cần đầu tư lớn nên nhiều hộ chưa mạnh dạn, hơn nữa cần phải có địa hình phù hợp, dễ theo dõi, quản lý.
Với thành công bước đầu của mô hình, ngành chuyên môn yêu cầu UBND xã Thuần Mang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các hộ duy trì theo dõi tình hình sinh trưởng cây, chú trọng chăm sóc, tuyên truyền để người dân thấy được ý nghĩa, hiệu quả của mô hình để tìm hiểu nhân rộng./.