Cây thông ở Ngân Sơn mang lại giá trị kinh tế cao

BBK - Ngân Sơn hiện có khoảng 7.300ha cây thông, trong đó khoảng 1.500ha đến tuổi khai thác, khoảng hơn 5.000ha trồng từ năm 2011 đến nay. Ngoài việc khai thác lấy nhựa, lấy gỗ thì hiện nay nhiều hộ trồng thông đã giữ cây lại để khai thác làm du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Rừng thông khi trồng và chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng gỗ đảm bảo.

Rừng thông khi trồng và chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng gỗ đảm bảo.

Để có được những cánh rừng thông cho sản lượng gỗ cũng như giá trị kinh tế như hiện nay, phải kể đến vai trò của Kiểm lâm, chủ rừng. Chia sẻ về các điều kiện cần thiết để phát triển cây thông, ông Bùi Đức Hạnh, Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Ngân Sơn cho biết: Chất đất và khí hậu ở Ngân Sơn phù hợp trồng giống thông Mã Vỹ. Để đảm bảo cây giống đạt, việc đánh giá chất lượng cây tại các vườn ươm, nhà cung cấp là rất quan trọng.

Hiện trên địa bàn huyện Ngân Sơn có 06 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp với số lượng cây con gieo ươm tại vườn 533.000 cây. Công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất gieo ươm và kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, được thực hiện đúng quy trình, kịp thời nhằm đảm bảo chất lượng cây giống trước khi trồng rừng.

Giá trị nhựa thông tư thương thu mua dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg.

Giá trị nhựa thông tư thương thu mua dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg.

Cây thông được trồng nhiều tại các địa phương như: Đức Vân, Bằng Vân, Cốc Đán, thị trấn Vân Tùng. Phó Chủ tịch UBND xã Đức Vân, ông Hà Văn Tường chia sẻ: Người trồng thông hiện nay đang có ba hướng khai thác cho thu nhập. Theo chu kỳ thì cây thông từ khi trồng đến khi cho khai thác nhựa khoảng 7 đến 10 năm, tùy chăm sóc. Chu kỳ khai thác nhựa thông kéo dài cho đến khi cây thông đủ tuổi khai thác trắng theo quy định.

Trung bình mỗi héc-ta trồng thông với chu kỳ 20 năm, khối lượng gỗ thu được khoảng trên 100m3. Giá gỗ thông hiện được tư thương mua theo hai loại, dài trên 1m đường kính trên 15cm khoảng 1,8 triệu đồng/1m3, gỗ có kích thước dài dưới 1m và đường kính dưới 15cm có giá dưới 1 triệu đồng/1m3. Trung bình mỗi héc-ta thông 20 đến 25 năm tuổi có giá trên dưới 200 triệu đồng, tùy thuộc việc chăm sóc của các chủ rừng và thời điểm thị trường.

Đức Vân là một trong những xã có diện tích trồng thông lớn. Những năm trước, thông đủ tuổi người dân khai thác trắng sau đó trồng lại. Địa phương lợi thế khi có hồ thủy lợi Bản Chang, xung quanh hồ người dân trồng rừng sản xuất là cây thông.

HTX Tiến Thịnh khai thác hiệu quả rừng thông với mô hình du lịch sinh thái.

HTX Tiến Thịnh khai thác hiệu quả rừng thông với mô hình du lịch sinh thái.

Nhận thấy tiềm năng mang lại từ cây thông, HTX du lịch Tiến Thịnh đã thuê gần 5ha đất rừng thông để làm du lịch sinh thái. Chị Ngô Thị Hương, Giám đốc HTX cho biết: Làm du lịch kết hợp bảo vệ và phát triển rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm giữ lại rừng thì sinh khối cây cũng tăng, cây càng lớn lại càng tạo được cảnh quan phát triển du lịch. Từ việc giữ rừng tốt, hiện nay khu du lịch sinh thái của HTX Tiến Thịnh được ví như Đà Lạt thu nhỏ.

HTX đang tạo việc làm ổn định cho 05 lao động địa phương. Theo kinh nghiệm của chị Hương, các địa phương có tiềm năng du lịch tương tự Ngân Sơn hãy ưu tiên trồng rừng, trồng cây ăn quả sẽ phục vụ tốt cho du lịch sinh thái. Dịp 30/4 vừa qua, khu du lịch sinh thái của HTX đã đón gần 3.000 lượt khách đến tham quan.

Từ giá trị cây thông mang lại, huyện Ngân Sơn tăng cường công tác chỉ đạo trồng và phát triển rừng, đặc biệt là cây thông. Năm 2023 huyện được giao chỉ tiêu trồng 450ha rừng, trong đó trồng cây phân tán 150ha, trồng lại rừng sau khai thác 200ha, trồng theo các chương trình dự án khác 60ha, trồng cây đa mục đích theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND tỉnh 40ha. Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn tuyên truyền vận động người dân tự bỏ vốn trồng rừng để phát triển kinh tế bền vững./.

Xem thêm