Chống người thi hành công vụ: Hành vi xem thường pháp luật cần bị xử lý nghiêm

BBK - Các hành vi chống người thi hành công vụ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động của lực lượng chức năng; trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ.
Đối tượng Nguyễn Văn Minh bị lực lượng chức năng khống chế.

Đối tượng Nguyễn Văn Minh bị lực lượng chức năng khống chế.

Ngày 18/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Minh (Sinh năm 1954, trú tại tổ 8, phường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Bắc Kạn) về tội "Giết người". Vụ việc xảy ra vào lúc 20h50 ngày 15/5, tại Km159 trên Quốc lộ 3, đoạn qua địa phận phường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Bắc Kạn.

Qua kiểm tra nồng độ cồn, tổ công tác Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh xác định Nguyễn Văn Minh vi phạm ở mức 0,943miligam/lít khí thở. Khi tổ công tác yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe, Minh đã xin về nhà lấy. Khoảng 10 phút sau, Minh quay trở lại và bất ngờ dùng dao đâm trọng thương Thiếu tá Dương Xuân K, vết thương gây rách cơ hoành, phải cắt bỏ lá lách. Tại cơ quan Công an, đối tượng cho biết nguyên nhân là do bực tức vì bị tổ công tác dừng xe kiểm tra nồng độ cồn nên đã đi mua 2 con dao nhọn và quay lại trả thù.

Trước đó, tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến đối tượng điều khiển phương tiện giao thông tông thẳng vào lực lượng chức năng khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra vi phạm.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong quý I/2023, toàn quốc xảy ra 28 vụ việc chống người thi hành công vụ, làm 10 chiến sĩ CSGT bị thương. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 20 vụ, tăng 8 chiến sĩ CSGT bị thương và tăng 22 đối tượng bị bắt giữ. Đáng nói, số người sử dụng rượu bia chống đối CSGT lên đến 17 vụ, chiếm hơn 50%.

Những vụ việc như trên thể hiện rõ sự manh động, liều lĩnh bất chấp hậu quả, coi thường pháp luật của các đối tượng khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Theo cơ quan chức năng, tài xế sử dụng rượu, bia sẽ khiến không kiểm soát được tinh thần, hành vi của mình; là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp vi phạm có hành vi cản trở, chống đối, không chịu đo nồng độ cồn khi CSGT yêu cầu kiểm tra. Việc chống đối, không chấp hành hiệu lệnh và yêu cầu kiểm tra của một bộ phận người tham gia giao thông khi lực lượng chức năng yêu cầu gây rất nhiều khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.

Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Kạn, 05 tháng đầu năm, Công an các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã bố trí 3.570 tổ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT với tổng số 13.080 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua kiểm tra, phát hiện 4.294 trường hợp vi phạm, phạt tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 6,7 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 1.184 trường hợp; tạm giữ 1.631 phương tiện. Trong đó, riêng vi phạm nồng độ cồn xử lý 1.161 trường hợp (chiếm 27% tổng số vi phạm), tăng 955 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

Không trực tiếp chống đối, song một số người lại thành lập các nhóm trên mạng xã hội để thông tin cho nhau vị trí của các tổ tuần tra, kiểm soát nhằm né tránh lực lượng chức năng. Đáng nói, sau vụ việc chiến sĩ CSGT bị đâm trọng thương, trên mạng xã hội còn xuất hiện một vài bình luận tiêu cực, xuyên tạc, đổ lỗi cho lực lượng chức năng, cổ súy cho hành vi chống đối.

Đơn cử như, tài khoản Facebook “Đông Hoàng” đã bình luận với nội dung sai sự thật trong bài viết “Bắc Kạn: Bắt giữ đối tượng chống người thi hành công vụ” đăng trên trang Fanpage Công an tỉnh Bắc Kạn. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã xác định người sử dụng tài khoản Facebook trên là H.V.Đ trú tại huyện Ba Bể và tiến hành làm việc với đối tượng này. Trong quá trình làm việc, H.V.Đ đã nhận thức được hành vi vi phạm và tự nguyện xoá bỏ bình luận, cam kết không tái phạm.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh tăng cường kiểm tra nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh tăng cường kiểm tra nồng độ cồn.

Ðể bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, thiết nghĩ cần có chế tài xử lý nghiêm khắc nhằm răn đe, phòng ngừa trong cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ. Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, không để bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành vi cản trở hoạt động của lực lượng chức năng; tẩy chay, lên án những lời nói, bình luận xuyên tạc, bôi nhọ lực lượng chức năng./.

Xem thêm