Chủ động phòng trừ bệnh trên cây bí xanh thơm Ba Bể

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Hiện nay, cây bí xanh thơm Ba Bể đang bước vào giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn, tuy nhiên một số diện tích cây đang có biểu hiện bệnh khiến các hộ dân lo lắng.
Chị Trần Thị Kiều, ở thôn Nà Viến, xã Yến Dương (Ba Bể) đang chăm sóc cây bí bị nhiễm bệnh.

Chị Trần Thị Kiều, ở thôn Nà Viến, xã Yến Dương (Ba Bể) đang chăm sóc cây bí bị nhiễm bệnh.

Nà Viến, xã Yến Dương là một trong những thôn có diện tích trồng bí xanh trên đất ruộng lớn của xã, thời điểm này cây đã bón thúc, một số đã cho leo giàn. Tuy nhiên, nhiều cây đang có biểu hiện bệnh và chết.

Vụ này gia đình chị Trần Thị Kiều trồng khoảng 300 gốc bí, khi cây đang phát triển thì có biểu hiện chết héo, không còn khả năng hồi phục. Theo đó, cả vườn chị Kiều có khoảng 50 gốc bệnh phải nhổ bỏ đi để dặm cây mới. Vụ này rất có thể năng suất sẽ bị ảnh hưởng. Chị Kiều chia sẻ: “Gia đình trồng bí xanh đã 05 năm, nhưng 02 năm nay cây có dấu hiệu nhiễm bệnh song không rõ nguyên nhân, nhìn cây đang phát triển như vậy mà phải nhổ bỏ thì thật sự là rất xót xa”.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể đưa ra một số khuyến cáo đối với các bệnh phổ biến trên cây bí thơm.

- Đối với bệnh sương mai:

Ngắt bỏ thu gom và tiêu huỷ lá già, lá bị bệnh để hạn chế bệnh lây lan. Phun ướt đều cả 2 mặt lá để phòng trừ bệnh bằng một trong các loại thuốc đặc trị như: Ridomil Gold 68WP, Daconil gold…

- Bệnh héo xanh:

Vệ sinh đồng ruộng và xử lý đất, thu gom và tiêu hủy các tàn dư thực vật trước khi gieo trồng. Tránh bị ngập úng trong mùa mưa. Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh để tránh lây lan. Phun phòng bệnh bằng một trong các loại thuốc: Starsuper 20WP, Kasumin.

Cách đó không xa là vườn bí của chị Triệu Thị Duyên đang được làm sạch cỏ, nếu phát triển tốt thì đến tháng 6 này sẽ thu hoạch. Thế nhưng cũng giống như một số hộ khác, vườn bí của chị Duyên có một số cây biểu hiện bệnh, khi lên được khoảng 30cm thân và lá bị héo, sau vài ngày thì chết. Chị Duyên cho hay: “Chúng tôi rất mong các cơ quan chuyên môn tìm ra thuốc đặc trị để loại trừ bệnh trên cây càng sớm càng tốt”.

Biểu hiện của cây bí thơm bị bệnh là thân, lá tự dưng héo, sau vài ngày thì chết.

Biểu hiện của cây bí thơm bị bệnh là thân, lá tự dưng héo, sau vài ngày thì chết.

Còn đối với gia đình ông Hà Văn Sơn mọi năm đều duy trì trồng 1.800m2 bí thơm, sau thu hoạch gia đình ông thu được khoảng 05 tấn quả. Ở vụ này, cây mới phát triển khoảng 30cm, chưa kịp làm giàn thì bị bệnh, lây sang cả vườn. Không có khả năng cứu chữa nên ông Sơn tạm chuyển sang trồng ngô. Theo ông Sơn thì các biểu hiện của bệnh trên cây bí thơm đã xuất hiện từ năm ngoái...

Theo ông Nông Quốc Thụy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể: Các bệnh phổ biến trên cây bí xanh chủ yếu là bệnh sương mai và bệnh héo lá xanh, nguyên nhân rất có thể là do thời tiết nắng mưa ẩm xen kẽ khiến cây bị nấm, gây hại. Khi cây bị bệnh này thì tỷ lệ rủi ro chết là rất cao. Huyện đã khuyến cáo người dân với cây bệnh cần ngắt bỏ lá, nhổ gốc tiêu hủy. Toàn huyện có hơn 01ha bí xanh bị bệnh, chủ yếu nằm rải rác các xã trên địa bàn nhưng nhiều nhất là ở thôn Nà Viến, xã Yến Dương.

Cây bí là sản phẩm OCOP của huyện Ba Bể, có giá trị kinh tế cao.

Cây bí là sản phẩm OCOP của huyện Ba Bể, có giá trị kinh tế cao.

Bà Mã Thị Thương Oanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Bể cho biết: Vào thời vụ, cây bí xanh thơm thường xuất hiện một số bệnh phổ biến như bệnh héo lá xanh, bệnh sương mai, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, năng suất cây trồng. Phòng đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các đơn vị liên quan bám sát địa bàn, mở rộng điều tra, theo dõi, tuyên truyền, hướng dẫn nhận biết cây bệnh, các kỹ thuật chăm sóc để hạn chế tình trạng lây lan, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Vụ xuân năm 2023, huyện Ba Bể có kế hoạch trồng khoảng 170ha cây bí xanh, tập trung chủ yếu tại xã Địa Linh, Yến Dương. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao nên được người dân chú trọng thực hiện. Với tình trạng cây mắc bệnh như hiện nay rất cần các ngành chức năng sát sao, hướng dẫn để khống chế không để mầm bệnh phát tán, giúp người dân yên tâm canh tác, gắn bó lâu dài với cây bí xanh thơm.../.

địa phương

Xem thêm