Chuyện giải quyết việc làm ở Bắc Kạn nhân Ngày Quốc tế Lao động 01/5

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Nhân dịp Kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, phóng viên Báo Bắc Kạn đã có buổi phỏng vấn đồng chí Hà Thị Liễu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn về công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thực trạng nguồn nhân lực lao động phổ thông, nhất là lao động nông thôn hiện nay trên địa bàn tỉnh và nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm hiện nay?

avatar-of-video-51588.png
Đồng chí Hà Thị Liễu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn.

Đồng chí Hà Thị Liễu: Theo số liệu thống kê, số người từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh hiện có trên 255.900 người, chiếm gần 80% dân số. Số người tham gia hoạt động kinh tế (có việc làm) hơn 207.000 người, chiếm khoảng 81% dân số từ 15 tuổi trở lên, trong đó lực lượng lao động khu vực thành thị có trên 36.600 người, chiếm khoảng 17%, lực lượng lao động, nông thôn có hơn 167.900 người, chiếm khoảng 82%.

Những năm gần đây cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng và giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp.

z5384160377578_a09f4b12f95709a0ef337b6dc99f288c.jpg
Trường Cao đẳng Bắc Kạn đào tạo nghề phục vụ nhà hàng, khách sạn.

Hiện nay, việc đào tạo nghề cho lao động có chuyên môn đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương theo hướng phát triển nông, lâm sản sạch đang được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm triển khai thực hiện (nghề trồng và khai thác rừng, trồng và chăm sóc rau, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng cây ăn quả, cây dược liệu...)

IMG_0580.JPG
Đào tạo nghề về lĩnh vực công nghệ, cơ khí ở Trường Cao đẳng Bắc Kạn.

Hằng năm, theo chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được UBND tỉnh giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức đa đạng như: Xây dựng chuyên mục, tổ chức tư vấn học nghề, in tờ rơi, sổ tay… tuyên truyền chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề đào tạo, thị trường lao động, việc làm, xuất khẩu lao động,… đến các xã, phường, thị trấn, các trưởng thôn, bản, tổ dân phố, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

IMG_3595.JPG
Người tham gia học nghề được đào tạo kỹ năng cơ bản, được thực hành, trải nghiệm, bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập.

Phóng viên: Từ năm 2020 đến nay, ngành LĐ-TB&XH đã đạt được những kết quả cụ thể nào trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Thị Liễu: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; gắn chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể từng năm nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Kết quả, giai đoạn 2020-2023, tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 30.200 người lao động (trong đó đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng là 27.531 người lao động); giải quyết việc làm cho hơn 271.000 lượt người lao động (trong đó đưa gần 2.950 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn).

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong thời gian qua?

Đồng chí Hà Thị Liễu: Về thuận lợi, tỉnh Bắc Kạn được thụ hưởng nguồn kinh phí lớn từ Chương trình MTQG để tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở; sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền các địa phương, của các ngành chức năng và sự hưởng ứng tham gia của người lao động trên địa bàn tỉnh.

Các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp đã đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền về hoạt động giải quyết việc làm, đào tạo nghề... nâng cao nhận thức cho người lao động trong việc tìm được cơ hội làm việc mới, nghề mới để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn còn một số khó khăn như: Các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh hầu hết chỉ đến làm các thủ tục với các cơ quan chức năng, sau đó giao lại cho người đại diện hoặc các trung tâm tuyển lao động, chưa thực hiện tốt công tác thông tin đối với chính quyền địa phương và Sở LĐ-TB&XH. Do vậy việc nắm bắt thông tin về kết quả tuyển dụng không được thường xuyên, kịp thời, chính xác.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, chưa thực sự chú trọng sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề, vẫn còn tình trạng sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Mức chi hỗ trợ học nghề trình độ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo các chương trình MTQG còn thấp so với điều kiện thực tế hiện nay nên không thu hút được đông đảo người lao động tham gia đào tạo nghề.

Phóng viên: Trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Thị Liễu: Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Bám sát các văn bản chỉ đạo, chủ trương của tỉnh, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về quản lý lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp, chính sách về tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động cho người lao động.

Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng việc làm; triển khai các dự án hỗ trợ đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tích cực hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động tại các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh thực hiện tổ chức tư vấn về chính sách việc làm, giáo dục nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu tuyển dụng cho người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách giải quyết việc làm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giáo dục nghề nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí./.

Xem thêm