Công bố danh sách 113 doanh nghiệp bán trái phép hoá đơn

BBK- Tổng cục Thuế vừa có Công văn 3385/TCT-TTKT yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Thuế Doanh nghiệp lớn thực hiện việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp, trong đó, công bố danh sách 113 doanh nghiệp bán trái phép hóa đơn.

00.jpg
Ảnh minh họa: M.P

Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này nhận được Bản án số 115/2023/HS-ST ngày 29/12/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ về kết quả xét xử sơ thẩm vụ án mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Theo đó, Tòa án xác định trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú đã trực tiếp hoặc thông qua đối tượng trung gian sử dụng 637 công ty do Nguyễn Minh Tú mua lại để bán trái phép 1.025.712 hóa đơn giá trị gia tăng cho 88.053 đơn vị, tổ chức và thành lập 6 công ty tài chính để hợp thức hóa việc thanh toán qua ngân hàng.

Để tiếp tục xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử, thu thập hóa đơn giấy (nếu có) của 113 công ty (theo Công văn 3385/TCT-TTKT) để áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo quy định.

Trường hợp phát hiện người nộp thuế thuộc cơ quan thuế quản lý có sử dụng hóa đơn của 113 công ty trên để kê khai thuế thì xem xét, xử lý thuế, hóa đơn theo quy định và nội dung hướng dẫn tại Công văn số 1798/ TCT – TTKT ngày 16/5/2023 của Tổng cục Thuế.

Tổng cục Thuế cũng đề nghị các cục thuế tiến hành rà soát, có báo cáo tổng hợp chung kết quả xử lý về thuế, hóa đơn đối với người nộp thuế đã sử dụng hóa đơn của 637 công ty (gồm 524 công ty đính kèm Công văn số 1798/TCT-TTKT, 113 công ty theo danh sách kèm theo công văn này) gửi bản giấy về Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) trước ngày 31/12/2024.

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã quy định rõ các hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ cũng như các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

Việc lập hóa đơn và sử dụng hóa đơn ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế cũng như thu, chi ngân sách nhà nước. Theo định nghĩa của cơ quan thuế, hóa đơn, chứng từ khống là hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ. Việc lập hóa đơn khống là một trong những hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Theo quy định của pháp luật thuế, đối với hành vi lập hóa đơn khống, tùy từng tình tiết sẽ bị: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, buộc hủy hóa đơn đã sử dụng. Hoặc xử phạt 20% theo trường hợp đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn. Với biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước. Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có). Hoặc, phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với trường hợp xác định là hành vi trốn thuế. Và, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại một số điều của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Theo Bộ luật Hình sự, tội trốn thuế bị xử phạt đến 07 năm tù.

Các chuyên gia cho rằng, hành vi mua bán trái phép hoá đơn cần phải xử lý thật nghiêm để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh./.

Xem thêm