HĐND thành phố đã tiến hành giám sát trực tiếp đối với UBND thành phố Bắc Kạn và UBND phường Huyền Tụng; giám sát gián tiếp thông qua báo cáo đối với Văn phòng HĐND - UBND; Phòng Nội vụ; Phòng LĐ - TB&XH; Phòng Văn hoá - Thông tin; Phòng Tư pháp; Phòng Kinh tế thành phố Bắc Kạn…
Qua giám sát cho thấy, việc phân bổ nguồn lực đôi lúc chưa hợp lý, chủ yếu dựa trên định mức, chưa phân bổ nguồn theo đề xuất của đơn vị thực hiện dự án; thực hiện tiểu Dự án 3 của Dự án 5 về đào tạo nghề còn có những khó khăn do người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn đa số đã đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động; một số lao động không có nhu cầu đào tạo nghề dưới 3 tháng vì thời gian quá dài, phải lao động và ký hợp đồng lao động thời vụ để có thu nhập hằng ngày nên không giải ngân được hết nguồn vốn đã cấp. Hiện tại trên thành phố chỉ có 01 tổ thuộc diện khó khăn, số hộ và nhân khẩu ít, do đó việc triển khai các hoạt động của Dự án tham gia các lớp tập huấn, hội thi, cuộc thi còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân của những hạn chế được chỉ ra như: Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là chương trình mới, với rất nhiều tiểu dự án, nội dung thành phần nên một số đơn vị, địa phương, cán bộ công chức, người dân còn chưa nắm rõ về nội dung, vai trò, ý nghĩa của Chương trình. Một bộ phận nhỏ người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đội ngũ làm công tác dân tộc từ cấp thành phố đến cơ sở số lượng ít, chất lượng không đồng đều, chưa tương ứng với nhiệm vụ được giao; việc phân công cho công chức thường là kiêm nhiệm. Điều kiện cơ sở vật chất của một số trạm y tế còn chật, hẹp, các phòng xuống cấp, gây khó khăn cho việc thăm khám sức khỏe cho người dân. Một số tiểu Dự án chỉ tổ chức thực hiện tại tổ Khuổi Pái, điều kiện của người dân còn gặp khó khăn nên khi triển khai thực hiện, hội viên và Nhân dân chưa nhiệt tình tham gia.
Qua giám sát, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát đối với Chương trình. Chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tiễn; đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình thông qua các hình thức lồng ghép, hỗ trợ có mục tiêu. Đối với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, kịp thời ban hành đầy đủ các Kế hoạch thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình cho giai đoạn 2021-2025 và hằng năm; xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện đầu tư của Chương trình theo quy định; chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai thực hiện Chương trình./.