Nhân Ngày Thế giới chống lao động trẻ em (12/6):

Hành động để phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Theo quy định tại Điều 1, Luật Trẻ em năm 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Phòng, chống lao động trẻ em là một trong những nội dung quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi, tạo điều kiện cho trẻ phát triển lành mạnh.

Xanh dương và Màu kem Kế hoạch Du lịchKỳ nghỉ Ảnh ghép.png
Trẻ em thành phố Bắc Kạn tham gia các lớp năng khiếu tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh.

Cần nâng cao nhận thức và hành động

Mọi trẻ em đều có quyền được sống, học tập và làm việc, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên một thực tế đáng quan tâm hiện nay là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của cha mẹ còn hạn chế, nhiều gia đình lạm dụng sức lao động trẻ em, bắt trẻ tham gia lao động cực nhọc ở tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trẻ lao động nặng quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể đang phát triển, trẻ dễ bị chấn thương cột sống, bị giảm sút về sức khỏe, trí lực...

Ngày Thế giới Phòng, chống lao động trẻ em được tổ chức hằng năm vào ngày 12/6, nhằm nâng cao nhận thức và hành động để chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức, xóa bỏ vòng luẩn quẩn giữa nghèo đói và bóc lột sức lao động của trẻ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có thể thấy, lao động trẻ em đang hiện hữu như một lẽ tự nhiên tại các vùng khó khăn, nhất là tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người sinh sống.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 78.250 trẻ em, chiếm 24,9% dân số. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2016 – 2020, giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng hướng đến năm 2030. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành như: Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động – Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật về lao động trẻ em; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trái quy định pháp luật.

Đồng thời, hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động; an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có điều kiện; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em nhưng chưa phát hiện đơn vị nào sử dụng lao động là trẻ em.

Chưa có đủ căn cứ để xử lý vi phạm

Qua việc thanh tra, kiểm tra pháp luật về lao động; an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có điều kiện ở Bắc Kạn, chưa phát hiện đơn vị nào sử dụng lao động trẻ em.

Trên thực tế, hiện việc sử dụng lao động trẻ em vẫn có thể diễn ra nhưng cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý, do người sử dụng lao động và người lao động chưa thành niên không có giao kết hợp đồng lao động.

Ông Đinh Quang Chúc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nêu một số khó khăn trong xử lý việc sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.

Cụ thể, khi thanh tra phát hiện có trẻ em phục vụ tại các quán bia, quán hát karaoke... chủ cơ sở đưa ra lý do đó là con em trong gia đình đến giúp, hoặc các em có giấy cam kết tự nguyện đến phục vụ, do đó cơ quan chức năng không có cơ sở xử lý vi phạm. Hoặc nhiều trường hợp lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp, trong hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; khu vực lao động kinh tế phi chính thức, khó phân biệt được ranh giới giữa lao động trẻ em đúng quy định pháp luật và trái quy định pháp luật (như con cái phụ giúp bố mẹ, ông bà), do đó công tác kiểm tra, thanh tra gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, đội ngũ những người có trách nhiệm và thẩm quyền xử lý việc sử dụng lao động trẻ em (Thanh tra Sở LĐ-TB&XH) lực lượng mỏng, quản lý đa ngành, lĩnh vực, không đủ để bao phủ, phát hiện tất cả những vi phạm và nguy cơ về lao động trẻ em.

Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần có sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Cần giải pháp tổng thể

Trong thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho tỉnh về công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Đồng thời nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở. Phòng chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động, kịp thời xử lý các vụ việc liên quan đến lao động trẻ em. Phối hợp liên ngành về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Thực hiện tốt công tác vận động nguồn lực, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh./.

Xem thêm