Từng là địa phương có nhiều điểm nóng, phức tạp bởi các vụ phá rừng trái phép, nhưng nhờ thực hiện tốt việc giao khoán bảo vệ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến các thôn, hộ gia đình trên địa bàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì) nên thực trạng phá rừng đã gần như không còn. Qua đó góp phần bảo vệ và phát triển diện tích, chất lượng rừng, người dân cũng có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và phát triển kinh tế.
Người dân thôn Bản Vin, xã Kim Hỷ (Na Rì) tuần tra rừng được giao khoán bảo vệ. |
Thôn Bản Vin nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn và cũng là một điểm sáng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng của địa phương. Những cánh rừng đặc dụng nơi đây nhiều năm qua được người dân bảo vệ nguyên vẹn, không có tình trạng chặt, phá rừng trái phép, săn bắn động vật quý hiếm. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng, bà con cùng nhau đóng góp làm đường, xây nhà văn hóa.
Bà Ngân Thị Lý- Trưởng thôn Bản Vin cho biết: “Thôn hiện có 34 thành viên tham gia nhận khoán bảo vệ 300ha rừng. Thực hiện công tác bảo vệ diện tích rừng, thôn chia thành 4 tổ, luân phiên đi tuần rừng định kỳ hằng tháng và phối hợp tham gia các đợt tuần rừng với cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn khi được huy động”.
Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân trong thôn được nâng cao rõ rệt. Năm 2021, số tiền nhận giao khoán bảo vệ rừng của thôn là 45 triệu đồng, cả thôn thống nhất chi 70% cho những hộ tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, còn 30% chi cho các hoạt động chung của thôn như làm đường bê tông, cầu cống, nhà họp thôn, bể chứa nước sạch… Từ năm 2019, nhờ nguồn kinh phí này, thôn đã làm được gần 1.000m đường bê tông nội thôn và xây dựng bể chứa nước sạch.
Hơn 07 năm tham gia đội tuần tra bảo vệ rừng của thôn Bản Vin, anh Triệu Văn Hữu đã thuộc từng dãy núi, lối mòn. Anh Hữu chia sẻ: “Mức hỗ trợ 150.000 đồng/năm/ha tuy không nhiều nhưng đã động viên, hỗ trợ được một phần cho tôi và các hộ dân gắn bó với công việc bảo vệ rừng. Hằng tháng tôi cùng mọi người trong thôn chủ động xây dựng kế hoạch đi tuần rừng. Khi phát hiện có dấu vết của động vật hoặc khai thác gỗ trái phép, tổ sẽ báo cáo kiểm lâm địa bàn".
Thực hiện Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dùng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước. Theo đó, về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã nhận khoán bảo vệ 1.567ha rừng đặc dụng cho 411 hộ, 1.806 nhân khẩu; đối tượng ưu tiên nhận khoán bảo vệ rừng là những hộ khó khăn, mức thu nhập thấp. Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách này, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương đã có những chuyển biến rõ nét, đồng thời người dân có thêm thu nhập, nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được giao khoán bảo vệ 1.567ha rừng đặc dụng cho 6 cộng đồng thôn bản. Trong năm 2021, người dân trên địa bàn đã tổ chức được 48 cuộc tuần tra, quản lý rừng với 288 lượt người tham gia. Ông Nguyễn Duy Huế- Chủ tịch UBND xã Kim Hỷ cho biết: “Từ năm 2016, xã bắt đầu giao khoán bảo vệ rừng về cho các thôn. Ban phát triển rừng ở các thôn phân công các hộ gia đình đi tuần tra, quản lý rừng. Các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng được giao nhiệm vụ có tinh thần trách nhiệm và tích cực tham gia bảo vệ rừng. Hiện nay, toàn xã có 24 tổ tuần tra bảo vệ rừng với khoảng 300 người tham gia”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra mật phục vào ban đêm; phối hợp với lực lượng Công an, Hạt Kiểm lâm Na Rì và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Ông Lê Viết Hoàng- Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết: “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đã giúp đời sống của người dân được giao khoán bảo vệ rừng đã được nâng lên đáng kể. Từ khi thực hiện chính sách giao khoán, công tác phòng, chống cháy rừng được thực hiện tốt hơn, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm. Trong 3 vụ phát hiện vi phạm đốt rừng làm nương, có tới 2 vụ do người dân phát hiện báo cáo với lực lượng chức năng”.
Hiện nay, mỗi thôn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng nhận được số tiền 45 triệu đồng/năm, tạo động lực khuyến khích bà con tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Thông qua việc thực hiện hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, tình trạng người dân làm nương, khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng đặc dụng đã giảm đáng kể. Ngoài ra, từ những khu vực rừng nhận khoán, người dân đã kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng một số loại cây dược liệu ngắn ngày dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, đem lại nguồn thu nhập khá.../.
Hồng Anh (Lớp Báo chí K17 Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên)